Theo đó, 12 tuyến trekking tour nằm trên địa bàn các huyện Bá Thước, Quan Hoá, Thường Xuân.
Trong đó có 4 tuyến trên địa bàn huyện Bá Thước, gồm: Tuyến trekking đỉnh Pù Luông (1.700m); Tuyến trekking mạo hiểm hòn Con Sói; Tuyến trekking đỉnh Pù Luông - Hòn Con Sói; Tuyến trekking cung đường di sản Pù Luông (Tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa).
Huyện Quan Hóa gồm 3 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Hu (1.440m); Tuyến trekking cây di sản chò xanh; Tuyến trekking đỉnh Pù Hu - Cây di sản chò xanh.
Huyện Thường Xuân gồm 5 tuyến: Tuyến trekking đỉnh Pù Gió (1.600m); Tuyến trekking thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking ngắm voọc xám và vượn đen má trắng; Tuyến trekking ngắm voọc xám, vượn đen mà trắng và thăm cây di sản pơ mu, sa mu; Tuyến trekking đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai.
Ngoài các tuyến du lịch trên, các tour trekking còn được thiết kế dựa trên nhu cầu, sở thích của khách du lịch.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, cho biết, các huyện miền núi phía tây của tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp với những dòng suối trong veo, thác nước hùng vĩ nằm ẩn mình giữa các khu bảo tồn thiên nhiên, rất phù hợp để hình thành những cung đường trải nghiệm từ ngắn ngày, dễ đi, đến những cung đường dài ngày, nhiều thử thách.
Bên cạnh đó, miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa độc đáo là những điều kiện lý tưởng để tỉnh Thanh Hóa phát triển loại hình du lịch đi bộ trong rừng - trekking tour.
"Việc xây dựng loại hình du lịch trekking tour là cố gắng, nỗ lực của tỉnh nhằm phát triển du lịch đúng với slogan “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”. Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, thúc đẩy đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của tỉnh và xu hướng phát triển du lịch trong tình hình mới...", ông Hồng nhấn mạnh.
Khánh An