Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018

Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh cũng như chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trên cả nước, với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.

Một địa phương có chất lượng điều hành tốt phải bảo đảm các tiêu chí: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt, thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự...

Theo Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc: PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Là khu vực tư nhân - bởi đây là khu vực đông đảo nhất trong nền kinh tế Việt Nam (chiếm tới 97-98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế). Tiếng nói của khu vực tư nhân là tiếng nói từ cơ sở - nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình. Cảm nhận và niềm tin của khu vực dân doanh sẽ định hình tương lai của nền kinh tế. Trao quyền để khu vực kinh tế tư nhân nói lên tiếng nói của mình, chủ động tương tác có hiệu quả với chính quyền các cấp trong hoàn thiện thể chế và thúc đẩy thực thi, là đóng góp lớn nhất của PCI trong hành trình cải cách kinh tế ở Việt Nam.

15 năm qua, PCI đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Từ chỗ ít được quan tâm, công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay đã và đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu ở tất cả các địa phương. Từ chỗ vị thế, quy mô còn nhỏ bé, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng nhanh chóng với gần 800 nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh, được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế, được tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển. Từ vị trí rất thấp trong các bảng xếp hạng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được nâng cao và đang hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm 3 - nhóm 4 nền kinh tế đứng đầu ASEAN. PCI tự hào đã góp một viên gạch nhỏ trên con đường chuyển đổi quan trọng đó của nền kinh tế Việt Nam.

Sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân. Và không chỉ khuyến cáo ở tầm định tính, thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói, và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay.

Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Năm 2019, kỷ niệm PCI bước vào “tuổi trăng tròn”. Báo cáo PCI 2019 được trình làng, chúng ta vui mừng: kết quả PCI 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam.

Đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ này của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn ở các địa phương.

Như 7 sắc cầu vồng trên bầu trời thể chế: Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; Công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ; Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; Tính minh bạch được cải thiện; Cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; Chi phí không chính thức tiếp tục giảm; Cải cách hành chính được đẩy mạnh...

Bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Nguyễn Kiên