Đây là một loài thực vật vô cùng quý hiếm, mang nhiều giá trị khoa học ứng dụng và giá trị bảo tồn nguồn gen quý hiếm tại VQG Bù Gia Mập.

Loài trà my Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. nov là loài trà hoa trắng thuộc chi trà (Camellia) - họ chè (Theaceae) - bộ chè (Theales), được ghi nhận lần đầu tiên tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) của VQG Bù Gia Mập. Cây mọc rải rác dưới tán rừng thường xanh giàu và một số cây được ghi nhận dưới tán rừng hỗn giao gỗ - lồ ô (HG1).

Camellia hoaana H. T. Khuong & S. X. Yang, sp. novcó tên Việt Nam là trà hòa và tên loài được đặt theo tên TS. Vương Đức Hòa (Giám đốc VQG Bù Gia Mập) nhằm vinh danh người đã phát hiện cây và thu mẫu nghiên cứu cũng như nhằm tôn vinh những đóng góp của TS. Vương Đức Hòa trong hoạt động nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên rừng tại VQG Bù Gia Mập nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.

Hình đặc điểm nhận dạng trà hòa (Ảnh: Khương Hữu Thắng)

Trà hòa lần đầu tiên được ghi nhận vào tháng 10/2019, ở độ cao 467 m (so với mực nước biển) dưới tán rừng thường xanh giàu, thuộc tiểu khu 14, VQG Bù Gia Mập. Từ đó nhóm nghiên cứu thực hiện theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây và thu mẫu cành lá, mẫu hoa, mẫu quả… để giải phẫu và phân tích mô tả đặc điểm của loài. Đến tháng 5/2023, hoàn thành mô tả đặc điểm sinh học của loài. Sau đó so sánh với mẫu chuẩn của các loài trà my tương tự, thì thấy có khác biệt rõ rệt và tách ra thành một loài mới riêng biệt (mô tả, so sánh chi tiết tại https://tckh.dlu.edu.vn/index.php/tckhdhdl/article/view/1207/526). 

Với việc phát hiện và công bố loài trà hòa tại VQG Bù Gia Mập có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen thực vật rừng quý hiếm và các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phát triển sinh vật rừng tại VQG Bù Gia Mập.

Công bố này là loài trà my thứ hai chỉ duy nhất được phát hiện tại VQG Bù Gia Mập (loài Camellia bugiamapensis công bố năm 2014). Điều này cho thấy, VQG Bù Gia Mập là nơi vừa có tính đa dạng sinh học cao, vừa có tính đặc thù riêng biệt mà không nơi nào có được. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học ứng dụng sinh vật rừng, phát triển bảo tồn nguồn gen sinh vật rừng quý hiếm tại VQG Bù Gia Mập đang được quan tâm phát triển.

Cụ thể, trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đề tài nghiên cứu bảo tồn nguồn gen các loài trà my tại VQG Bù Gia Mập, đây là cơ hội để VQG Bù Gia Mập nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, cũng như nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát triển nguồn gen sinh vật quý hiếm trong khu vực.

H. Thủy (Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/)