Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 15.783ha với 6 hệ sinh thái tiêu biểu, là nơi cư trú của 2.421 loài sinh vật. Đặc biệt, đã có 106 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Thế giới, Sách đỏ Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trao Bằng công nhận cây di sản cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trao Bằng công nhận cây di sản cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

Tại các quyết định số 443/QĐ-HMTg, số 444/QĐ-HMTg ngày 16/12/2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận: Quần thể 150 cây trâm mốc trên đảo Minh Châu, 3 cây trâm vỏ đỏ tại tiểu khu 201 đảo Ba Mùn, 3 cây trai lý tại tiểu khu 201 đảo Máng Hà Nam là Cây di sản Việt Nam.

Các đại biểu và nhân dân xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) tham gia khánh thành bia đá Cây di sản Việt Nam.
Các đại biểu và nhân dân xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) tham gia khánh thành bia đá Cây di sản Việt Nam.

Đây là các cây đáp ứng được các tiêu chí: Là cây cổ thụ, cao to hùng vĩ, hình dáng đặc sắc, hoặc có giá trị đặc biệt về 1 trong các yếu tố khoa học, lịch sử, văn hóa, mỹ quan...

Việc công nhận Cây di sản nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ cây, bảo tồn đa dạng sinh học trong cộng đồng dân cư; đồng thời đóng góp cho tiềm năng du lịch, quảng bá hình ảnh của địa phương.

Các đại biểu tham quan, kiểm tra hiện trạng rừng trâm mốc trên đảo Minh Châu, số lượng hiện nay hơn 2.000 cây.
Các đại biểu tham quan, kiểm tra hiện trạng rừng trâm mốc trên đảo Minh Châu, số lượng hiện nay hơn 2.000 cây.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã có 162 cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản.

Đây là thành quả từ nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Trần Trang (t/h)