1. Công nợ là gì?

Công nợ là một thuật ngữ rất quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực kế toán.

Ảnh minh họa

Theo đó, công nợ là khoản tiền phát sinh khi cá nhân hoặc doanh nghiệp thực hiện giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc phát sinh nghĩa vụ tài chính với cá nhân hay doanh nghiệp khác, nhưng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đầy đủ tại thời điểm đó và phải chuyển sang kỳ thanh toán sau.

Hiện nay công nợ được chia thành 02 loại là công nợ phải thu và công nợ phải trả.

2. Các thuật ngữ thường gặp liên quan đến công nợ của doanh nghiệp

(i) Công nợ phải thu: Là khoản tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp đang chờ thu từ khách hàng hoặc đối tác kinh doanh của họ. Nói cách khác, đây là những khoản tiền mà khách hàng còn nợ doanh nghiệp sau khi đã mua hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ.

Ví dụ công nợ phải thu: Một cửa hàng bán quần áo bán hàng cho một khách sỉ với giá 100 triệu đồng, nhưng khách sỉ chỉ thanh toán trước 50% và hẹn trả nốt số tiền còn lại sau 30 ngày. Khoản 50 triệu đồng còn lại là công nợ phải thu của cửa hàng.

(ii) Công nợ phải trả: Là khoản tiền mà một cá nhân hoặc doanh nghiệp nợ các bên khác như nhà cung cấp, đối tác, ngân hàng,... Đây là những khoản tiền phát sinh khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ, vay vốn nhưng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ tại thời điểm đó.

Ví dụ công nợ phải trả: Doanh nghiệp mua một lô hàng nguyên liệu từ một nhà cung cấp với giá 100 triệu đồng và được phép thanh toán sau 30 ngày. Khoản 100 triệu đồng này chính là công nợ phải trả.

(iii) Khấu trừ công nợ: Khấu trừ công nợ hay còn gọi là bù trừ hoặc cấn trừ công nợ, là một hình thức thanh toán giữa hai bên có quan hệ giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, thay vì phải thực hiện thanh toán thì các bên chọn cách khấu trừ các khoản nợ của nhau.

Ví dụ khấu trừ công nợ:  Công ty A bán nguyên liệu cho Công ty B với giá 200 triệu đồng, đồng thời Công ty B cũng cung cấp dịch vụ cho Công ty A trị giá 250 triệu đồng. Thay vì thanh toán riêng rẽ, hai công ty quyết định "trừ đi trừ lại" các khoản nợ này. Cuối cùng, Công ty B chỉ cần trả cho Công ty A số tiền chênh lệch là 50 triệu đồng.

(iv) Bảng đối chiếu công nợ: Là một tài liệu ghi chép quá trình so sánh các số liệu về công nợ phải thu và phải trả của doanh nghiệp trên sổ sách kế toán với số liệu thực tế trên các chứng từ giao dịch, hợp đồng và các nguồn thông tin khác của các bên liên quan, như khách hàng, nhà cung cấp, ngân hàng, cơ quan thuế.  

(v) Chốt công nợ: Là quá trình cuối cùng trong việc xác nhận và cập nhật thông tin về các khoản nợ hoặc các khoản phải trả trong hệ thống tài chính của một cá nhân hoặc tổ chức. Nói cách khác, đây là giai đoạn tổng kết, kiểm tra và làm rõ tất cả các khoản công nợ phát sinh trong một kỳ kế toán nhất định.

Lưu ý: Các khái niệm trên chỉ mang tính tham khảo.

3. Mẫu bảng đối chiếu công nợ 2024 dành cho doanh nghiệp

Dưới đây là file word Mẫu bảng đối chiếu công nợ 2024 dành cho doanh nghiệp và hướng dẫn chi tiết cách sử dụng mẫu.

Mẫu bảng đối chiếu công nợ 2024 dành cho doanh nghiệp và hướng dẫn sử dụng

mẫu bảng đối chiếu công nợ

Công nợ là gì? Mẫu Bảng đối chiếu công nợ 2024 cho doanh nghiệp 

4. Đối tượng kế toán của doanh nghiệp là gì?

Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 8 Luật Kế toán 2015đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh (đối tượng kế toán của doanh nghiệp) trừ đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính bao gồm:

- Tài sản.

- Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

- Doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập và chi phí khác.

- Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước.

- Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh.

- Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

>> Đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính:

- Các đối tượng quy định tại đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh nêu trên.

- Các khoản đầu tư tài chính, tín dụng.

- Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán.

- Các khoản cam kết, bảo lãnh, giấy tờ có giá.

H. Thủy Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)