Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát có địa chỉ tại L08-B02, Khu đô thị Dương Nội, Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, Hà Nội. Công ty này sở hữu những website sau: https://daihongphat.group/; https://www.daihongphatgroup88.com/
Sử dụng hình ảnh, logo của thương hiệu khác mà không có sự đồng ý, chấp thuận
Qua kiểm tra, trên kênh Youtube của Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát có đăng tải video quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đáng chú ý, video này được cắt ghép từ hình ảnh nhà máy, quy trình sản xuất và sản phẩm của Công Ty Cổ Phần Dược Liệu Việt Nam (Vietmec), thậm chí còn có đoạn dựng “ẩu đoảng” quên cắt cả logo tại áo của nhân viên Vietmec.
Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc, Phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã liên lạc và có buổi trao đổi với đại diện Công Ty Cổ Phần Dược Liệu Việt Nam (Vietmec). Theo đó, đại diện công ty này khẳng định không có bất kỳ sự hợp tác nào với bên Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát bằng văn bản hay bất kỳ hợp đồng nào hợp tác về sản phẩm để sử dụng hình ảnh của thương hiệu trong kinh doanh. Việc sử dụng hình ảnh này hoàn toàn không có sự đồng ý, chấp thuận từ bên Vietmec.
Do đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật cụ thể như sau:
Vi phạm nhãn hiệu, hay xâm phạm nhãn hiệu đã được quy định trong khoản 1, Điều 129 văn bản hợp nhất 2019 luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005.
Vi phạm điều 11 nghị định 99/2013/NĐ-CP. Điều 11 quy định về hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu cho mục đích kinh doanh.
Theo đó, Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát đã xâm phạm đến thương hiệu của Công ty cổ phầm dược liệu Việt Nam (Vietmec). Đây là thương hiệu đã được Cục sở hữu trí tuệ bảo vệ.
Việc sử dụng hình ảnh của thương hiệu khác gắn vào video giới thiệu sản phẩm của mình là hành động không trung thực với người tiêu dùng. Chưa kể, hành động sử dụng hình ảnh, logo thương hiệu khác mà chưa có sự chấp thuận cũng có thể gây ra những thiệt hại nhất định ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng cho phía công ty bị sử dụng hình ảnh.
Ngoài ra sau buổi làm việc với đại diện Công Ty Cổ Phần Dược Liệu Việt Nam (Vietmec) để tìm hiểu rõ hơn thông tin phóng viên đã có một trao đổi với công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát.
Đại diện công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát cho biết: “Vietmec là đơn vị nào? Anh thuê một người ở công ty sự kiện dựng, bạn này phối hợp với đơn vị sản xuất đã lâu. Đại Hồng Phát lấy hàng của một bên đơn vị sản xuất, nên đã nhờ làm 1 video để giới thiệu công ty, quảng bá thương hiệu hình ảnh. Người dựng video nói rằng những hình ảnh trên đều là ở bên các nhà máy lấy hàng, thế cho nên khi phóng viên bảo của Vietmec người đại diện vẫn chưa hiểu Vietmec là của công ty nào”. Đại diện công ty khẳng định video này nhờ dựng là đúng.
Cùng một sản phẩm, trùng số đăng ký sản phẩm. Nhưng lại có sự chênh lệch “khủng” về giá cả?
Theo như thông tin phản ánh từ bạn đọc, tại các website https://daihongphat.group/ và https://www.daihongphatgroup88.com/ bày bán một số sản phẩm như Viên bổ thận Hàu biển; Sâm tố nữ Collagen mầm đậu nành với mức giá chênh lệch gấp nhiều lần so với các các đơn vị bán hàng khác. Điều này vô tình khiến cho khách hàng nghi ngờ rằng liệu rằng giá thành này có đi đôi với chất lượng, khi bản thân họ bỏ ra một số tiền hơn 1.000.000 VNĐ để mua các sản phẩm tại các website nêu trên, nhưng thực chất họ lại không nhận được sản phẩm với chất lượng mong muốn.
Cụ thể, Viên bổ thận Hàu biển được bày bán trên website thuộc cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát là 1.150.000 VNĐ. Tuy nhiên, cùng sản phẩm này được bày bán trên sàn thương mại điện tử Lazada với mức giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Khi tìm hiểu về ảnh của sản phẩm được đăng tải trên sàn TMĐT này, phóng viên nhận thấy mặt sau của sản phẩm viên bổ thận Hàu biển có ghi “Thương nhân công bố sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm: Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm trung ương Queen Diamond Diophaco”, đi kèm với số ĐKSP: 3918/2021/ĐKSP. Trùng hợp, số đăng ký này trùng với số đăng ký của sản phẩm Viên bổ thận Hàu biển trên website của Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát.
Để rộng đường dư luận phóng viên có trao đổi thêm với Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát:” Khi được hỏi về giá cả của sản phẩm trên sàn thương mại điện tử hoặc các kênh khác chỉ bán có hơn 100.000 nghìn đồng trong khi Đại Hồng Phát lại bán hơn 1.000.000đồng mà cùng số lô và số công bố. Vậy bạn đọc sẽ cho rằng thực chất giá gốc Đại Hồng phát nhập về rất rẻ, vì vậy giá cả không đi đôi với chất lượng”?.
Đại diện công ty cho hay: “Việc này nó vẫn diễn ra không chỉ riêng gì sản phẩm bên anh mà còn nhiều đơn vị khác cũng rơi vào tình trạng này. Nó khác nhau cũng là đúng thôi bởi vì cơ chế bán hàng của mỗi một đơn vị không giống nhau, thì giá sẽ không giống nhau. Quan trọng là có bán đc với mức giá đấy hay không”.
Tìm hiểu những sản phẩm thuộc danh sách các sản phẩm bán chạy nhất hiện nay trên website của Công ty, sản phẩm Sâm tố nữ Collagen mầm đậu nành được bày bán trên website với giá 820.000 VNĐ.
Cũng dòng sản phẩm này khi được bày bán trên sàn thương mại điện tử Lazada chỉ có giá giao động dưới 200.000 VNĐ, kèm theo đó là giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm giống hệt với nội dung đăng tải trên website của Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Đại Hồng Phát.
Cùng một sản phẩm, giống bao bì, số đăng ký nhưng lại có sự chênh lệch quá nhiều về giá cả, điều này ít nhiều khiến người tiêu dùng không biết thật sự nên chọn nơi nào để có thể mua hàng. Tại sao các mặt hàng này trên các website của Công tycổ phần tập đoàn dược phẩm Đại Hồng Phát lại có sự chênh lệch giá cả nhiều đến như vậy? Liệu rằng, khi bỏ ra một số tiền cao hơn nhiều như vậy, người tiêu dùng có nhận được sản phẩm chất lượng không, có vấn đề gì hay không? Sản phẩm xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay không?
Trang Nguyễn