Công ty TNHH Đông Hải bị “tố” khai thác cát trái phép: Người trong cuộc nói gì? - Hình 1

Văn bản UBND tỉnh Hải Dương gửi Bộ NN&PTNT về việc chấp thuận xây dựng cảng bến thủy nội địa thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương

Dư luận tại xã Phúc Thành (Kinh Môn, Hải Dương) và xã Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương) lên tiếng, Công ty TNHH Đông Hải lợi dụng được giao thi công nạo vét cảng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, đã tiến hành khai thác cát trái phép. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã về tận nơi, xác minh thông tin trên.

Tìm hiểu được biết, Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương được khởi công, xây dựng vào cuối tháng 3/2016, tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD. Với công suất 1.200MW gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 600MW và 4 lò hơi CFB, Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, do Công ty Hữu hạn - Tập đoàn Cố vấn công trình điện lực (Trung Quốc) và Công ty JAKS Resources Bhd (JAKS, Malaysia) đầu tư, theo mô hình BOT.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành thương mại sau 36 tháng thi công; sau 25 năm hoạt động, sẽ chuyển giao cho Việt Nam. Việc nhà máy đi vào vận hành - sẽ cung cấp điện tại chỗ cho các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng và Quảng Ninh, qua đó, góp phần gia tăng tổng công suất phát điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện năng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân. 

Công ty TNHH Đông Hải bị “tố” khai thác cát trái phép: Người trong cuộc nói gì? - Hình 2

Công ty TNHH Đông Hải bị “tố” khai thác cát trái phép: Người trong cuộc nói gì? - Hình 3

Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc chấp thuận phương án điều tiết giao thông để thực hiện việc nạo vét

Để dự án kịp hoàn thành tiến độ xây dựng vào năm 2020, các đơn vị thi công ngày đêm tăng cường nhân lực, vật lực, tập trung hoàn thiện các hạng mục. Trong đó, có hạng mục kè đá, nạo vét, đổ thải; nạo vét bốc dỡ đá hiện hữu; đào đất, vận chuyển đổ trong nhà máy; thi công đường từ cảng than và cảng hạng nặng vào nhà máy.

Để được phép thi công, nạo vét và xây dựng cảng nhà máy nhiệt điện Hải Dương, Công ty TNHH Đông Hải đã làm các tờ trình, văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương, Bộ NN&PTNT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Căn cứ tờ trình của chủ đầu tư dự án (đơn vị trực tiếp thi công là Công ty TNHH Đông Hải), UBND tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 393/UBND-VP ngày 27/02/2017 gửi Bộ NN&PTNT về việc chấp thuận - làm cơ sở cấp phép xây dựng, hoạt động cảng thủy nội địa và công trình thủy công thuộc Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương.

Công ty TNHH Đông Hải bị “tố” khai thác cát trái phép: Người trong cuộc nói gì? - Hình 4

Công ty TNHH Đông Hải bị “tố” khai thác cát trái phép: Người trong cuộc nói gì? - Hình 5

UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định cho phép xây dựng cảng thủy nội địa thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương

Tiếp đó, ngày 11/04/2017, Chi cục Đường thủy phía Bắc (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) ra Văn bản số 323/ĐTNĐPB-QLHT về việc chấp thuận phương án BĐGT đường thủy, phục vụ thi công nạo vét và xây dựng cảng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, khu vực km 24 + 500 sông Kinh Thầy.

Sau khi tiếp nhận Công văn số 393/UBND-VP ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh Hải Dương gửi Bộ NN&PTNT về việc đề nghị thỏa thuận cấp phép xây dựng cảng thủy nội địa thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT) đã ra Văn bản 549/TCTL-DĐ ngày 18/4/2017 về việc chấp thuận xây dựng cảng thủy nội địa. Văn bản nêu rõ: “Thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hải Dương về việc xây dựng cảng thủy nội địa thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương ngoài bãi sông tương ứng từ K22 + 350 – K23 + 355 đê hữu sông Kinh Thầy, huyện Kinh Môn.

Công ty TNHH Đông Hải bị “tố” khai thác cát trái phép: Người trong cuộc nói gì? - Hình 6

Công trường xây dựng do Công ty TNHH Đông Hải trực tiếp thi công

Mặc dù đã được các cơ quan chức năng đồng ý cho phép xây dựng bến cảng thủy nội địa và nạo vét lòng sông để xây dựng cảng, nhưng Công ty TNHH Đông Hải vẫn vấp phải sự phản đối của một số người dân. Người dân cho rằng, công ty nạo vét, khai thác cát không đúng với nơi được cấp phép, làm ảnh hưởng đến hoa màu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Chiến, đại diện công ty TNHH Đông Hải cho biết, trong quá trình thi công, công ty thực hiện đúng theo hồ sơ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, theo hồ sơ phê duyệt, bến dạng liền bờ, chiều dài bến 577 m (vị trí tương ứng K22 + 350 – K23 + 046), do đó, việc người dân phản ánh công ty thi công gây sạt lở đất và khai thác cát là không đúng sự thật. Bởi lẽ, để xây dựng bến cảng thủy nội địa, yêu cầu khu vực cảng phải có độ nước sâu âm từ 3 m trở lên, nhiều đoạn cao trình đáy bến - 6,4 m. Chính vì vậy, trong hồ sơ phê duyệt xây dựng bến cảng thủy nội địa, thì phần thi công nạo vét được quy định rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết trong hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

Mặt khác, theo ông Chiến, việc thi công nạo vét, xây dựng bến cảng thủy nội địa thực hiện theo đúng Giấy chứng nhận QSDĐ số BN 459222 ngày 23/10/2013, do UBND tỉnh Hải Dương cấp.

“Theo Giấy chứng nhận QSDĐ thì, địa điểm nạo vét của công ty chúng tôi chạy dài qua các xã Quang Trung và Phúc Thành của huyện Kinh Môn. Trong khi đó, nếu tính theo chiều dài của 2 bên bờ sông là 1,2 km thì không có chuyện gây ảnh hưởng hay sạt lở đất của người dân”, ông Chiến nói.

Từ sự việc trên, ông Chiến mong muốn, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và các ban, ngành liên quan xem xét, phối hợp, giúp đỡ Công ty TNHH Đông Hải hoàn thành tốt công việc để kịp thời đáp ứng tiến độ thi công được giao.

Ngọc Linh