Không rõ nguồn gốc
Cửa hàng 151 Vũ Tông Phan (phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)
Tại cửa hàng 151 Vũ Tông Phan (phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), treo biển hiệu “Hàng Nhật nội địa”, trong vai khách mua hàng, nhận thấy cửa hàng bày bán rất nhiều sản phẩm như quần áo, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, dầu ăn hoa cải, sữa dành cho trẻ em, sữa dành cho bà bầu… Các sản phẩm đều có nhãn mác bằng tiếng Nhật, trên mỗi sản phẩm, không hề có tem phụ thể hiện bằng tiếng Việt, nhiều sản phẩm, bằng mắt thường người tiêu dùng không thể biết đó là gì?
Cửa hàng bày bán rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là hàng xách tay từ Nhật nhưng đều không có tem nhãn phụ
Khi được hỏi, nhân viên bán hàng trả lời: “Hàng bên em là xách tay từ Nhật, sếp em có người ở bên Nhật gửi hàng về để bán, em chỉ là nhân viên nên cũng không biết hết được. Nếu chị cần tìm hiểu để mua nhiều, thì cứ trực tiếp làm việc với sếp em”.
Ngoài ra, Công ty LTP còn có trang website bán hàng http://ltpjapanshop.com được đăng ký sở hữu tên miền bởi ông Phạm Tuấn Linh. Trên trang website giao bán đủ các loại mặt hàng như trên, thậm chí có cả thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc nhỏ mắt, thuốc bổ gan, siro ho cảm sốt…, những sản phẩm này cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo hướng dẫn, PV liên hệ với ông Phạm Tuấn Linh, GĐ Công ty LTP. Ông Linh cho biết: “Mặc dù là hàng xách tay, nhưng chị lấy hàng với số lượng lớn, bên tôi đều đáp ứng được. Tôi nhập hàng qua đường hàng không và đường biển, có mặt hàng nhập trực tiếp, có mặt hàng lấy qua đơn vị khác…”.
Khi PV thắc mắc về tem nhãn ghi trên hàng hóa, ông Linh trả lời: “Vì đây là hàng xách tay nên không có tem nhãn phụ, cũng không có bất kỳ giấy tờ nào cả. Bên tôi có một kho ở Khương Trung, nhưng không cho khách hàng đến kho xem được, chị muốn mua hoặc làm việc thì cứ đến trực tiếp cửa hàng” (?)
Có sự bảo kê?
Tại Điều 7,8,9 NĐ 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 14/04/2017 quy định về nhãn hàng hóa thể hiện:
“Đối với hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam, bắt buộc phải có nhãn phụ; nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Nội dung ghi trên nhãn phụ được dịch nguyên ra tiếng Việt, từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Trên nhãn phụ, gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc, phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”…
Và NĐ 185/2013/NĐ-CP và NĐ 124/2015/NĐ-CP sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thể hiện:
“Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sẽ bị xử phạt từ 200.000 đến 200 triệu đồng, tùy theo tính chất và tổng giá trị hàng hóa. Đồng thời, hình thức phạt bổ sung và khắc phụ hậu quả là tịch thu những hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại nghị định này”.
Khi được hỏi về “mức độ rủi ro khi kinh doanh những mặt hàng này?”, ông Linh trả lời: “Nếu chị mở cửa hàng để bán, khi khách hàng vào mua thì mình cứ tư vấn bình thường. Còn đối với bên quản lý thị trường, chị bắt buộc phải “làm luật” - nộp tiền theo tháng hoặc theo năm thì không có vấn đề gì cả. Cửa hàng chúng tôi năm nào cũng phải nộp từ 5 - 7 triệu đồng, có năm nhiều hơn. Thực ra, cửa hàng nào cũng phải nộp hết, chị cứ mở cửa hàng đi thì biết, phía cơ quan quản lý thị trường sẽ đến hỏi ngay, lúc đó tôi sẽ hướng dẫn chị cách… làm luật” (?!).
Nhận thấy, Công ty LTP vô tư bày bán rất nhiều sản phẩm tại cửa hàng và trên trang website, nhiều sản phẩm nếu sử dụng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NTD như sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh… Những sản phẩm này, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng không bị xử lý?
Cũng theo lời ông Linh, để kinh doanh được đã có sự “bảo kê” của một số cán bộ quản lý thị trường phụ trách địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có) của Công ty LTP và các cán bộ liên quan theo đúng quy định.
Thanh Bình