CTCP bia Sài Gòn- Khánh Hoà: Có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, coi thường pháp luật - Hình 1 

Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà tại Diên Phú, Diên Khánh

Ngày 27/10/2015, Công ty CP bia Sài Gòn - Khánh Hoà được cấp Giấy phép kinh doanh số 42016663910, do ông Vũ Quang Hải (con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng) - nguyên thành viên HĐQT, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Bia – Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) làm đại diện pháp luật.

Sau khi ông Vũ Quang Hải thôi giữ các chức vụ tại SABECO, ngày 18/1/2017, ông Nguyễn Minh An, Phó tổng giám đốc SABECO được cử thay ông Hải làm đại diện SABECO tại Công ty CP bia Sài Gòn - Khánh Hoà (SAKHABECO), sau đó ông An được bầu làm Chủ tịch HĐQT SAKHABECO.

Ngày 12/12/2015, SAKHABECO động thổ xây dựng Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà tại Cụm công nghiệp Diên Phú (Diên Khánh, Khánh Hoà), trên diện tích đất 6 ha, diện tích sàn xây dựng 15.949 m2; công suất 50 triệu lít bia/năm, tổng mức đấu tư khoảng 600 tỷ đồng; ngày 28/1/2016, Tập đoàn Polyco thực hiện hợp đồng EPC tổng thầu dự án. Ngày 18/11/2016, nhà máy cho ra thị trường những sản phẩm đầu tiên.  

CTCP bia Sài Gòn- Khánh Hoà: Có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, coi thường pháp luật - Hình 2

Toàn cảnh Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà

Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ nộp ngân sách địa phương từ  500 - 700 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Năm 2016, thực tế chỉ trong 42 ngày (từ 18/11 -31/12/2016), Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà đã sản xuất được hơn 2,8 triệu lít bia, tiêu thụ trên 1,8 triệu lít; doanh thu 18,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2,2 tỷ đồng; nộp thuế TNDN 442,6 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 1,7 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà sản xuất 28.008.272 lít, tiêu thụ 27.754.974 lít; tổng doanh thu 512.060.338.549 đồng; nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 225.6695.259.610 đồng; tổng chi phí 262.881.976.014 đồng; lợi nhuận trước thuế 23.483.102.925 đồng.

Theo kế hoạch năm 2017, Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà sẽ sản xuất 52.430.000 lít, tiêu thụ 52.430.000 lít; tổng doanh thu 976.879.090.844 đồng; nộp thuế TTĐB 432.527.626.826 đồng; tổng chi phí 500.677.950.644 đồng; lợi nhuận trước thuế 43.673.513.374 đồng.

Theo báo cáo của SAKHABECO, một trong những khó khăn hiện nay của công ty là “chưa hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Bộ TN&MT về việc xác nhận hoàn thành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với chi phí hơn 300 triệu đồng”; “chưa xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2014; hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm HACCP và ISO 22000:2007; hệ thống quản lý về môi trường ISO 14001:2014 và hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên nghiệp cho phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn 17025:2005”.

Ngày 20/9/2017, ông Trần Sơn Hải, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã làm việc, kiểm tra trực tiếp tại nhà máy. Theo báo cáo của SAKHABECO: Nhà máy chưa hoàn thành báo cáo ĐTM, chưa lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường, đang hoạt động hết công suất 50 triệu lít/năm; đang trong quá trình mở rộng, nâng công suất lên 100 triệu lít/năm.

Ông Hải đã yêu cầu công ty phải hoàn thành báo cáo ĐTM gửi Bộ TN&MT phê duyệt trong tháng 11/2017; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường và kết nối với hệ thống quan trắc của Sở TN&MT trong tháng 10/2017.

Theo các chuyên gia, với công suất 50 triệu lít bia/năm, Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà phải sử dụng 150 triệu lít nước, xả ra môi trường 100 triệu lít nước thải. Nâng công suất lên 100 triệu lít bia/năm, nhà máy phải sử dụng 300 triệu lít nước, xả 200 triệu lít nước thải, trong đó có rất nhiều chất thải độc hại. Nếu nâng công suất lên 100 triệu lít/năm, nhà máy phải làm lại đánh giá tác động môi trường, xây thêm hệ thống xử lý nước thải tương ứng.

Theo Luật Bảo vệ  môi trường số 55/2014/QH13 (Điều 18. Khoản 1) và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (Phụ lục II mục 67): Tất cả các dự án xây dựng cơ sở sản xuất bia, nước giải khát, công suất từ 10.000 lít sản phẩm/năm trở lên phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Theo Điều 15 khoản 1.a, khi nâng công suất lên trên 10.000 lít sản phẩm/năm phải lập lại đánh giá tác động môi trường. Điều 19 khoản 2 - Luật Bảo vê môi trường nêu rõ: “2. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án”.

Một dự án công suất 50 triệu lít sản phẩm/năm, qua rất nhiều khâu thẩm định, xét duyệt, cấp phép, kiểm tra: Từ cho chủ trương; thoả thuận địa điểm; cấp giấy phép đầu tư; cấp giấy phép xây dựng; nghiệm thu công trình; cho phép hoạt động; kiểm tra về xây dựng; kiểm tra về môi trường…

Quá trình gần 2 năm, đi vào hoạt động gần 1 năm, đưa ra thị trường trên 40 triệu lít bia, nhưng vẫn không chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường? Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, có sự coi thường pháp luật của chủ đầu tư? Trong khi đó, kế hoạch năm 2017, Nhà máy bia Sài Gòn - Khánh Hoà sẽ sản xuất trên 52,4 triệu lít, vượt công suất thiết kế 2,4 triệu lít/năm.

Hiện nay, SAKHABECO vẫn chưa thấy tính chất nghiêm trong - vi phạm Luật Bảo vệ môi trường? Ngày 20/9/2017, lãnh đạo công ty còn báo cáo với Đoàn công tác UBND tỉnh, công ty đang trong quá trình nâng công suất nhà máy lên 100 triệu lít bia/năm? Rõ ràng, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận, coi thường pháp luật.

Thiết nghĩ, dù dự án nộp thuế nhiều bao nhiêu, giải quyết hàng trăm việc làm cho người lao động địa phương, vẫn không thể có ngoại lệ đó là không được vi phạm pháp luật!

Trần Minh Ngọc