Cư dân Bright City tiếp tục ‘kêu cứu’, BIDV ‘hứa’ chưa thu lãi vay, giãn tiền nợ gốc - Hình 1

Cư dân Bright City căng băng rôn đòi quyền lợi trước cửa Trường Đào tạo cán bộ BIDV (733 Hồng Hà, Hoàn Kiếm)

Chiều 21/4, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, hay còn có tên gọi khác là Bright City (Hoài Đức, Hà Nội) đã tập trung đông đảo căng băng rôn, khẩu hiệu đòi quyền lợi trước cửa Trường Đào tạo cán bộ BIDV (733 Hồng Hà, Hoàn Kiếm). Đây cũng là địa điểm BIDV đang tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018.

Hàng trăm khách hàng căng băng rôn kêu cứu và hô to các khẩu hiệu như “BIDV phải có trách nhiệm đến khi người dân nghèo nhận được nhà ở xã hội”; “AZ Thăng Long lừa đảo nhà ở xã hội Bright City”; “Yêu cầu Công ty AZ Thăng Long trả nhà cho cư dân đúng hạn bàn giao...”.

Cư dân Bright City tiếp tục ‘kêu cứu’, BIDV ‘hứa’ chưa thu lãi vay, giãn tiền nợ gốc - Hình 2

Người lớn, trẻ em đội nắng căng băng rôn

Theo ghi nhận của PV, sở dĩ khách hàng căng băng rôn tại địa điểm BIDV đang tổ chức Đại hộ cổ đông thường niên năm 2018 là vì họ cho rằng, ngân hàng này phải có trách nhiệm đến khi người dân nhận được nhà ở xã hội tại dự án Bright City như hợp đồng.

Liên quan đến vụ việc trên, chiều cùng ngày, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Tây Hà Nội (BIDV Tây Hà Nội) cũng phát đi thông tin báo chí về các đề nghị của cư dân Bright City.

BIDV Tây Hà Nội cho biết đã chủ động làm việc với chủ đầu tư khắc phục các khó khăn của khách hàng mua nhà thu nhập thấp, đề xuất các phương án triển khai để có thể khởi động lại dự án và hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.

Trong đó, BIDV đề xuất sẽ tiếp tục tài trợ dự án để thi công hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng, điều chỉnh tăng giới hạn cho vay đối với dự án từ 423 tỷ đồng lên 640 tỷ đồng.

Trong giai đoạn dự án Bright City chậm tiến độ, BIDV sẵn sàng cơ cấu lại nợ vay của chủ đầu tư và khách hàng mua nhà (nếu có vay BIDV), giãn số tiền nợ gốc phải trả, chưa thu lãi vay để giảm áp lực tài chính cho khách hàng đến khi nhận bàn giao nhà.

Đồng thời, BIDV tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các khó khăn, bổ sung nguồn vốn để cùng với vốn vay ngân hàng khởi động lại dự án; phân kỳ đầu tư hợp lý phù hợp với doanh thu và dòng tiền dự án.

Cư dân Bright City tiếp tục ‘kêu cứu’, BIDV ‘hứa’ chưa thu lãi vay, giãn tiền nợ gốc - Hình 3

BIDV yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện ngay hai tòa A1.1 và A1.2 để có thể bàn giao cho người mua nhà

Trước mắt, BIDV yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện ngay hai tòa A1.1 và A1.2 để có thể bàn giao cho người mua nhà đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà. Đối với các tòa còn lại, yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục tích cực bổ sung thêm vốn tự có để có thể hoàn thiện sau hoặc song song.

Đồng thời, chủ đầu tư phối hợp ngân hàng xây dựng gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng mới vay mua nhà với lãi suất 4.8%/năm trong vòng 3 năm (thấp hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay thương mại thời điểm này khoảng 10%/năm), để hỗ trợ khách hàng mới mua nhà thu nhập thấp, tăng doanh thu bán hàng cho dự án.

Dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, dự án AZ Thăng Long là một trong những dự án nhà ở xã hội trọng điểm của UBND thành phố Hà Nội, nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Ngày 8/10/2014, hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án AZ Thăng Long giữa chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Tây Hà Nội được ký kết.

Số cho vay giải ngân là 1.104 tỷ đồng, thời gian vay tối đa 8 năm, hỗ trợ 100% khách hàng vay mua nhà. Trước đây, dự án AZ Thăng Long vốn là dự án nhà ở thương mại, nằm trên khu đất có diện tích 15.493m2 bao gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng. Dự án có chức năng dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1 đến tầng 6, căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên. Theo giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, dự án sẽ có tổng số vốn lên tới 1.800 tỷ đồng.

Dự kiến sẽ có khoảng 1.360 căn hộ theo tiêu chuẩn sẽ được đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng cho nhu cầu nhà ở tại thị trường Hà Nội. Thế nhưng, trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần phải “đắp chiếu” do thiếu vốn. Để giải cứu dự án, năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang dự án nhà ở xã hội để được hưởng các ưu đãi, đặc biệt là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đến ngày 14/2/2014, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định cho phép dự án chuyển từ thương mại sang làm nhà ở xã hội.

Theo đó, quy mô dự án gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A11, A12, A2, A3). Tổng số căn hộ là 1.496 căn, sau khi đi vào hoạt động cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân người có thu nhập thấp. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành việc xây dựng, bàn giao nhà vào quý III - IV/2017. Tuy nhiên, kế hoạch bàn giao nhà cho khách hàng đã bị đỗ vỡ khi chủ đầu tư thi công chậm chạp. Sau nhiều lần cam kết với khách hàng, đến nay dự án vẫn rơi vào bế tắc và cư dân tiếp tục “kêu cứu”.

Theo vietnamfinance