Theo đó, ngày 3/6/2021 Cục ATTP đã có Công văn số 1037/ATTP-NĐTT gửi Tạp chí Thương hiệu và Công luận. Nội dung công văn nêu rõ: Liên quan đến phản ánh trong bài viết TPBVSK TOP MEN quảng cáo không đúng công dụng, Cục ATTP đang xác minh làm rõ các nội dung liên quan, trong trường hợp xác định có vi phạm Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Cục ATTP khẳng định: Việc triển khai thủ tục hành chính trong cấp Giấy đăng ký bản công bố sản phẩm TPBVSK TOP MEN hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, không ưu ái hoặc cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng liên quan tới sự việc trên, để rộng đường dư luận, phóng viên đã mang giấy giới thiệu của cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc với Công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lê Văn Lĩnh (người tiếp nhận giấy giới thiệu của PV) lại “từ chối” làm việc với lý do dịch Covid-19. Trước sự việc này, phóng viên đã thiện chí, cầu thị thông tin bằng cách đề nghị làm việc, trao đổi qua email nhưng ông Lĩnh vẫn "nhất quyết từ chối"!?
Câu hỏi đặt ra, tại sao phía Công ty TNHH OPPORTUNITY Việt Nam lại từ chối làm việc để làm sáng tỏ những thắc mắc về sản phẩm TPBVSK TOP MEN?
Trước đó, Thương hiệu và Công luận đã có bài viết phản ánh tình trạng hiện nay có nhiều website như: https://topmen.vn/, https://www.topmenvietnam.info/, https://topmen.shop-duocpham.com/... đang quảng cáo TPBVSK TOP MEN như thuốc chữa bệnh, vi phạm nhiều quy định của luật quảng cáo.
Cụ thể, tại website như https://topmen.vn/ TPBVSK TOP MEN được quảng cáo giới thiệu như một giải pháp “phát minh mới cho phong cách đàn ông dẫn đầu”. Cùng với đó, công dụng sản phẩm được mô tả như thần dược giúp "phục hồi sinh lực phái mạnh"; “TOP MEN 60 phút thăng hoa, 60 tuổi chưa già”.
Hay như trên các trang website: https://www.topmenvietnam.info/; https://topmen.shop-duocpham.com/ còn khẳng định sản phẩm là thuốc, cam kết có hiệu quả sau khi sử dụng. Điển hình là câu trả lời bình luận của khách hàng: “Thuốc sinh lý TOP MEN được kiểm định rất gắt gao trước khi bán ra thị trường nên sẽ không có tình trạng không có tác dụng”.
Ngoài ra, để lấy lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm, các website này đăng tải hàng loạt những video đánh giá công dụng sản phẩm của các bác sĩ, chuyên gia như Phạm Hòa Lan – nguyên Chủ nhiệm khoa nghiên cứu thuốc, trang thiết bị y tế - Cục Quân y, Bộ Quốc phòng; Tiến sĩ Nguyễn Thiện Trưởng – nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình, Phó chủ tịch thường trực Hội Giáo dục và chăm sóc sức khỏe Việt Nam.
Đặc biệt, xuất hiện nhiều nhất trong các trang quảng cáo với nhiều video nói về công dụng “thần dược TOP MEN”, ca sĩ Duy Mạnh khẳng định: “Sau một thời gian mình sử dụng sản phẩm này thì mình thấy rằng sức khỏe mình cải thiện lên rất nhiều và tăng cường bản lĩnh đàn ông”. Hay ở một video khác, ca sĩ này khuyên nhủ: “Hiện nay mình chia sẻ với anh em bí quyết giúp giữ bản lĩnh đàn ông, đó chính là TOP MEN…. Mình nghĩ anh em nên dùng mỗi ngày để đảm bảo bản lĩnh đàn ông trong chuyện chăn gối.”
Thậm chí trong một bài viết được đăng tải trên một trang thông tin điện tử, TPBVSK TOP MEN còn được coi Sản phẩm bổ thận tráng dương Đông Y được tin dùng nhất hiện nay với công dụng bổ thận, tráng dương, mạnh gân cốt, tăng cường sinh lực và sinh lý nam giới, giúp làm giảm nguy cơ mãn dục nam sớm.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm
Ngoài ra, tại điều 70, nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cùng với đó, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa bỏ những quảng cáo sai phạm.
Hải Minh