Trong năm, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 308 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Trong đó, có 76 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng lậu; 50 vụ vi phạm về hàng cấm; 53 vụ vi phạm hàng giả; 48 vụ vi phạm về hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; 26 vụ vi phạm trong lĩnh vực đầu cơ, găm hàng và giá; 10 vụ vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp; 10 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Cục Quản lý thị trường tiến hành lập biên bản phạt hành chính các trường hợp vi phạm và bán hàng tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu và không có giá trị sử dụng đem tiêu hủy khoảng 11,28 tỷ đồng. Chuyển giao cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý 5 vụ với trị giá hàng vi phạm gần 3,4 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, Cục Quản lý thị trường cũng tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để Nhân dân nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về hoạt động thương mại, công nghiệp, dịch vụ cũng như hiểu rõ tác hại của kinh doanh hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác, từ đó tự giác thực hiện và đồng tình ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Cùng với đó, cử cán bộ đến trực tiếp các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền, ký cam kết. Năm 2024, đã thực hiện ký cam kết đối với 1.547 cơ sở không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ.
Năm 2025, Cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trên các kênh thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Đồng thời, kiểm tra chuyên đề về ngành hàng kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực nóng trên địa bàn…
Việt Anh