Tiến hành kiểm tra hơn 2.600 vụ

Luôn chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại. Qua đó, không để hình thành điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 15/6), lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 2.662 vụ việc (tăng 857 vụ, tăng 47,48% so với cùng kỳ); đã xử lý 2.478 vụ việc, trong đó có 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của UBND TP. Hồ Chí Minh; 2.424 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của Quản lý thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm, số tiền phạt hành chính của 2.478 quyết định xử phạt phát sinh là trên 45,8 tỷ đồng. Trong đó, nộp ngân sách Trung ương hơn 39,5 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương trên 6,3 tỷ đồng.

Trị giá hàng hóa vi phạm nói chung (đối với tài sản có căn cứ xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là đơn vị tính khác thì thực hiện tổng hợp số liệu theo đơn vị tính đó) trên 63,5 tỷ đồng.

Hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trong kỳ báo cáo là gần 30 tỷ đồng. Trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong kỳ đã xử lý bằng hình thức bán là gần 1,3 tỷ đồng. Trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong kỳ chưa xử lý là gần 28,5 tỷ đồng. Trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong kỳ là trên 30,8 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 2.662 vụ
6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 2.662 vụ (Ảnh: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh)

Cũng trong thời gian này, tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 2.481 vụ, thu nộp vào ngân sách là trên 51,8 tỷ đồng, đạt 58,93% chỉ tiêu thi đua năm 2024 (tăng 40,17% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó bao gồm gần 47 tỷ đồng tiền phạt hành chính; trên 4,8 tỷ đồng tiền bán hàng tịch thu và tiền phạt truy thu số lợi bất hợp pháp.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024 và kế hoạch triển khai giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử năm 2024, các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…)

Từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý hàng loạt vi phạm về các hành vi như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Với chức năng, nhiệm vụ và sự nỗ lực, cùng những kết quả đạt được trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu đi qua địa bàn, góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Những nhóm hàng vi phạm nổi cộm

Từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm. Trong đó, mặt hàng thuốc lá điện tử, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm, tạm giữ 15.541 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, bao gồm: thuốc lá điện tử, tinh dầu và phụ kiện với tổng giá trị hơn 5,2 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền là 347 triệu đồng.

Đặc biệt, thực hiện công tác kiểm tra kiểm soát thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện nghiêm biện pháp nghiệp vụ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng thuộc đối tượng của hoạt động giám sát theo quy định để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng quản lý thị trường. Qua đó, phát hiện phát hiện nhiều tiệm vàng bán trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Điển hình như vào các ngày giữa tháng 4/2024, Đội quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an TP. Thủ Đức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đối với 5 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng trên địa bàn TP. Thủ Đức.

Qua kiểm tra bước đầu, các doanh nghiệp trên đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân theo quy định.

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện, tạm giữ hàng nghìn sản phẩm đồ điện gia dụng các loại có dấu hiệu nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện, tạm giữ hàng nghìn sản phẩm đồ điện gia dụng các loại có dấu hiệu nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh)

Đoàn kiểm tra phát hiện tại các điểm kinh doanh trên đang kinh doanh trang sức bằng kim loại màu vàng (vàng trang sức) gồm: nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền các loại không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hàng hóa theo quy định, tổng trị giá hơn 233,9 triệu đồng.

Tương tự, ở khu vực huyện Hóc Môn, Đội quản lý thị trường số 18, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Công an xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn thực hiện kiểm tra đột xuất 1 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng trên địa bàn.

Cửa hàng này kinh doanh trang sức bằng kim loại màu vàng các loại không có nhãn hàng hóa, không ghi xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa theo quy định, không rõ chất lượng, chưa qua sử dụng, có tổng trị giá 49 triệu đồng.

Trước đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bất ngờ đóng cửa trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa.

Đối với hàng hóa không đảm bảo chất lượng, trong kỳ, đơn vị đã giám sát, tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá trên 47,5 tỷ đồng (tăng 55,27% so với cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 180 tỷ đồng. Ngoài ra, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn phần tiền phạt chưa thi hành là 77 quyết định với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố 7 vụ án hình sự, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 19,3 tỷ đồng...

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu. Ngoài ra, đơn vị cũng tập trung tại các địa bàn phức tạp, nổi cộm, trọng điểm.

Đồng thời, hoàn thành tốt các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024; kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024; kế hoạch triển khai giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử năm 2024 và kế hoạch về thực hiện chỉ tiêu thi đua năm 2024.

Hoàng Bách (t/h)