Xin nhắc lại, PV Thương hiệu & Công luận đã có một loạt bài viết về thực trạng tổng kho, cửa hàng Nguyễn Dương, Thảo Dương trên đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, Hà Nội bày bán hàng hoá không tem nhãn phụ, nguồn gốc xuất xứ như sau:

"Mục sở thị" hai tổng kho hàng gia dụng, bán đồ không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội

Hai tổng kho gia dụng bán đồ không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội: Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường ở đâu?

Ngay sau đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc để kiểm tra. Thế nhưng, cách làm việc lại rất lạ. Đó là : Suốt 1 tiếng kiểm tra hàng hoá không phát hiện hàng hoá vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn phụ. 

Tạp chí Thương hiệu & Công luận vì người tiêu dùng nên cán bộ quản lý thị trường Đội 11 "nhờ" gì thì "giúp" đó, nói gì thì ghi lại cái đó. Thực tế, buổi kiểm tra hôm đó là cán bộ quản lý thị trường Đội 11 chỉ đối chiếu kiểm tra hàng hoá PV nhặt ra, còn thực thế cán bộ của đoàn kiểm tra không hề kiểm tra. Tất cả đã được PV đăng tải trong bài viết Cán bộ quản lý thị trường Đội 11, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội hướng dẫn phóng viên "soi" để kiểm tra "cho thuận".

Với những ghi nhận trực tiếp tại cơ sở, PV Thương hiệu & Công luận đã mang phản ánh thực tế, khách quan về hàng hoá vi phạm quy định tem nhãn cũng như cách làm việc của lực lượng quản lý thị trường, cụ thể là Đội 11 thuộc Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội. Sau đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có công văn hồi đáp về phản ánh của toà soạn với những sai phạm của các tổng kho gia dụng này và quyết định xử phạt sai phạm.

Công văn của Cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi Tạp chí Thương hiệu & Công luận
Công văn của Cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi Tạp chí Thương hiệu & Công luận.

Công văn nêu: “Đối với cơ sở kinh doanh đồ gia dụng Nguyễn Dương, hộ kinh doanh Nguyễn Tài Dương có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 0108006315 do UBND quận Hà Đông cấp thay đổi lần thứ nhất ngày 03/01/2019.

Kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ sở gồm các loại bộ dụng cụ nhà bếp, bông tẩy trang, áo ngủ, khăn lau, bộ cốc thủy tinh, bộ ấm chén, kém đánh răng,, ... Đoàn kiểm tra đối chiếu hàng hóa với các hóa đơn, chứng từ xuất trình thấy phù hợp về chủng loại, số lượng hàng hóa, hàng hóa có nhãn và được niêm yết giá bán theo quy định.

Ngoài ra đoàn kiểm tra phát hiện có 05 cái nồi bằng sắt mạ 100%; 31 bộ đồ dùng nhà bếp ký hiệu ER-6728; 216 cái cặp lông có vỏ bằng nhựa, ruột bằng thép không rỉ, có quai xách dung tích 400-500 ml; 197 cái áo ngủ nữ dệt kim chui đầu bằng sợi tổng hợp; 103 cái máy đánh trứng cầm tay Scarleft 7 tốc độ; 21 cái đèn led tích điện công suất 100W; 212 cái túi xách đựng đồ dùng cá nhân mặt ngoài bằng vật liệu dệt từ sợi tổng hợp là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, giá trị hàng hóa vi phạm theo hóa đơn là 26.309.789 đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính kết luận đối với hộ kinh doanh Nguyễn Tài Dương có hành vi vi phạm hành chính như sau: “Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, giá trị hàng hóa vi phạm là 26.309 789 đồng, quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 31 và điểm c khoản 2, Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại khoản 48, khoản 49, Điều 2, Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử.

Ngày 28/01/2022, Đội trưởng Đội QLTT số 11 ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Tài Dương: Phạt tiền: 5.000.000 đông (Năm triệu đồng) áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 31 và điểm c khoản 2, Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại khoản 48, khoản 49, Điều 2, Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, PV Thương hiệu & Công luận cũng có bài viết phản ánh thực trạng hàng hoá không rõ nguồn gốc tại một số cửa hàng gia dụng khác tại Hà Nội trong bài viết Hàng không rõ nguồn gốc tung hoành ở Hà Nội và trách nhiệm của lực lượng QLTT, trong công văn này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã nêu kết quả kiểm tra và xử phạt.

Đối với địa điểm kinh doanh hàng tiêu dùng tiện ích Ngọc Hân, địa chỉ: số C38-43 khu đô thị Gleximco, đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra địa điểm kinh doanh của ông Ngô Văn Thành đang hoạt động kinh doanh, xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 0108038646 do UBND quận Hà Đông cấp đăng ký ngày 17/11/2021; Hóa đơn số 0032208, 0032212.

Về hàng hóa đang bày bán gồm có bàn chải, hộp đựng giấy, thảm xốp, mũ lông, phích giữ nhiệt, nồi chiên, ấm siêu tốc, máy sấy tóc, dép,.... Đoàn kiểm tra đối chiếu hàng hóa với các hóa đơn, chứng từ xuất trình thấy phù hợp về chủng loại, số lượng hàng hóa, hàng hóa có nhãn và được niêm yết gia bán theo quy định. Ngoài ra đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hàng hóa chưa qua sử dụng gồm 240 chiêc kéo Material SK5; 70 chiếc Cốc ủ cháo Fashion style ; 110 chiếc vắt cam Wheat straw; 30 chiếc cốc ủ cháo Cup 300ml. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 24.750.000 đồng.

Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ tang vật vi phạm hành chính và lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Ngô Văn Thành; địa chỉ tại số 43 - Lô C38, Khu c, KĐT Gleximco Dương Nội, Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội có hành vi vi phạm hành chính như sau: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, giá trị hàng hóa vi phạm là 24.750.000 đồng (Hai mươi bốn triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng), quy định tại điểm đ khoản 1, Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ.

Ngày 28/01/2022, Đội trưởng Đội QLTT số 11 ban hành Quyết định số 13/QĐ- XPHC đối với Hộ kinh doanh Ngô Văn Thành: Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng) đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu trị giá hàng hóa vi phạm : 24.750.000 đồng. Áp dụng điểm đ khoản 1, Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm (kê chi tiết tại Biên bản tạm giữ số 27/BB-TG ngày 27/01/2022 của Đội QLTT số 11). Áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ.

Như vậy, với vi phạm nhãn hàng hoá của 02 cửa hàng này, theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, mức xử phạt là 5.000.000 đồng và 8.000.000 đồng. Với quy mô cũng như số lượng hàng hoá tại những cơ sở này theo khảo sát của PV, dư luận đặt ra câu hỏi: “Liệu mức xử phạt này đã đủ sức răn đe?”, liệu có phải là "phạt cho có" để xoa dịu sự khó chịu của người tiêu dùng. Bởi theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Với những hàng hoá không có đủ nhãn hàng hoá theo quy định, nhiều khả năng là hàng nhập lậu, hàng trốn thuế…gây ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách của Nhà nước. 

Nhưng chỉ với mức xử phạt vài triệu đồng thế này, liệu có quá ít so với lợi nhuận mà các cơ sở này đã thu được từ hàng hoá bày bán cho người tiêu dùng? Cùng với đó, đối với quyết định xử phạt cửa hàng gia dụng Nguyễn Dương, không hề có hình thức xử phạt tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm về nhãn hàng hoá, trong khi giá trị hàng hóa vi phạm là 26.309 789 đồng. Trong khi trước đó, cán bộ đoàn kiểm tra tại cơ sở Nguyễn Dương khẳng định trực tiếp với PV là có vi phạm nhãn hàng hoá thì sẽ tịch thu.

Điều chúng tôi bất ngờ là công văn của Cục Quản lý thị trường Hà Nội không đề cập đến thái độ, lời nói, hành vi không đúng, thiếu chuẩn mực của cán bộ quản lý thị trường Đội 11 khi kiểm tra tổng kho với phóng viên và trước đó lãnh đạo Đội 11 yêu cầu lãnh đạo tạp chí phải xin lỗi. Chúng tôi đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội nghiêm túc trả lời tạp chí vấn đề trên bằng một văn bản khác với nội dung cụ thể: Cán bộ Đội 11 gọi điện yêu cầu lãnh đạo tạp chí xin lỗi với mục đích gì? Đe dọa tòa soạn hay đe dọa phóng viên, đe dọa người làm báo, trong khi kiểm tra những phản ánh của tạp chí là đúng và có xử phạt. Tiếp theo hành vi "nhờ" phóng viên đi lấy hàng hóa vi phạm từ tổng kho ra để cán bộ đứng đó đối chiếu là đúng hay sai? Việc cán bộ Đội 11 hướng dẫn phóng viên "soi" hàng hóa vi phạm để kiểm tra "cho thuận" bị xử lý như thế nào?

Rất mong Cục Quản lý thị trường phối hợp với tạp chí Thương hiệu & Công luận thực hiện nghiêm Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ và công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, trốn thuế nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các doanh nghiệp, thương hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trúc Mai