Phải có chỉ đạo mới kiểm tra
Như bài viết trước đó PV đã phản ánh, trước thực trạng đang tồn tại tại cửa hàng gia dụng Nguyễn Dương và Thảo Dương không có tem nhãn phụ tiếng việt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Minh Khoán - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 11 thì ông Khoán nói rằng: PV phải đặt lịch làm việc với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau đó, Cục giao việc xuống thì Đội mới đi kiểm tra. Ông Khoán cũng có chia sẻ rằng, "đã nhiều lần kiểm tra tổng kho này. Phản ánh về hai cửa hàng này của PV cũng đã có nhiều bên phản ánh rồi chứ không phải bây giờ, chúng tôi cũng đã từng đến kiểm tra, tuy nhiên họ cũng có xuất trình được một số giấy tờ và số lượng hàng hoá kiểm kê thực tế ở đó không nhiều”.
Đã từng kiểm tra mà PV vẫn phát hiện tràn lan việc bán hàng không nguồn gốc, xuất xứ nhãn phụ... như vậy. Liệu chưa kiểm tra thì hàng hóa sẽ như thế nào? Đề nghị Đội trả lời người tiêu dùng.
Tiếp đó PV đã đến Cục Quản lý thị trường Hà Nội để đặt lịch làm việc. Ông Quang - tiếp nhận nội dung làm việc của PV cũng cho biết: "Cửa hàng này vừa mới kiểm tra cách đây hơn tháng". Sau khi đặt lịch làm việc xong, Đội Quản lý Thị trường số 11 đã đến kiểm tra 1 số kho hàng trên địa bàn quận Hà Đông trong chiều ngày 27/01/2022, trong đó có tổng kho gia dụng Nguyễn Dương và Thảo Dương.
Tại tổng kho gia dụng Thảo Dương, cửa hàng này “cửa đóng then cài” mặc dù đang là thời điểm lượng khách hàng mua sắm hàng Tết rất lớn. Theo ông Vũ Văn Hùng, Đội phó Đội Quản lý Thị trường số 11 thì: “Cửa hàng này đóng cửa nên không thể kiểm tra”.
Tại tổng kho gia dụng Nguyễn Dương, đến khi PV có mặt lực lượng này đã làm việc tại đây được hơn 1 tiếng. Vừa gặp phóng viên ông Hùng trao đổi: “Qua kiểm tra cơ sở có đăng kí kinh doanh, những hàng hoá ở đây là hàng hoá thông dụng, các anh đang tiến hành kiểm tra hàng hóa đối chiếu hoá đơn chứng từ, hơn 1 tiếng kiểm tra chưa phát hiện hàng lậu. Với nhãn hàng hoá chưa phát hiện gì”.
Ông Hùng nói tiếp: “Với hàng hoá này nói chuẩn kiểm đếm chi tiết là rất lâu. Toàn bộ hàng hoá đây, cái gì cần có hoá đơn chứng từ đối chiếu, vi phạm tem nhãn thì em lấy ra đây. Còn hiện giờ chưa phát hiện được vi phạm về nhãn”.
Cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn PV "soi" cụ thể để kiểm tra "cho thoát việc"
Ông Tuấn Anh, thành viên của đoàn kiểm tra nói với PV: “Anh hỏi em cho nhanh, em "soi" về cái gì tập trung về cái đấy, anh em mình chia sẻ cho thuận lợi, cái gì có sai thì sẽ phải kiểm tra vài ngày, còn em bảo trong hàng nghìn sản phẩm em phát hiện 5,10 hay 50 thì em chỉ cho anh loại đấy, anh em mình tập trung cái đấy thôi”.
Khi PV thắc mắc nhiệm vụ của báo chí là phản ánh thông tin, hoài nghi của dư luận đến lực lượng chuyên ngành kiểm tra thì nhiệm vụ của các anh phải kiểm tra đối chiếu các loại mặt hàng tại đây, thì người này nói: “Tìm phương án cho nó thuận, chứ anh không phải đối phó với em hay chủ hàng, hay làm việc cho nó xong. Mình không có gì mâu thuẫn, ý anh muốn nói là em thấy sai phạm của ngần này ngần này mặt hàng thì anh đến tập trung vào mặt hàng đấy, anh không thể tràn lan cái gì anh cũng kiểm tra được. Ví dụ như thời gian kiểm tra mấy ngày liền, còn kiểm tra trong 1 ngày thì kiểm tra cái em phản ánh thôi, hiện nay đang là Tết thì các anh kiểm tra theo cái phán ảnh của em trước, anh khẳng định kiểm tra hết có sai, nhưng anh muốn thoát việc cho em gia chủ, cho anh”.
Quản lý thị trường nói không phát hiện vi phạm, PV nhặt ra nhiều sản phẩm không tem nhãn phụ
Và trong quá trình làm việc chỉ có phóng viên tìm và nhặt ra rất nhiều các sản phẩm toàn chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt như là bông tẩy trang, ly, bộ ấm chén, dao, nồi kho thịt, đồ nhà tắm, nhà bếp, túi xách, balo… Vậy mà trước đó ông Hùng đội phó đội Quản lý Thị trường số 11 lại nói không phát hiện hàng hoá vi phạm nhãn sau 1 tiếng kiểm tra?
PV phát hiện thì cán bộ quản lý thị trường yêu cầu chủ kho đem hóa đơn đối chiếu, còn lại thì thôi
Tại buổi ghi nhận thực tế ngày 27/01, PV đã thấy gian hàng về nồi niêu, ấm siêu tốc, bếp nướng mà PV từng ghi nhận không có tem nhãn phụ…trống hoắc, trong khi hôm trước là rất nhiều. Điều đáng nói là mặt hàng nào PV nhặt ra để tại đây thì lực lượng này bảo chủ hàng tìm hoá đơn để đối chiếu. Còn lại thì PV không thấy đối chiếu hoá đơn với mặt hàng nào khác cho tới lúc PV rời đi.
Tiếp đó, nhiều mặt hàng đã được thêm tem nhãn phụ tiếng Việt sau phản ánh của PV như bàn chải đáng răng cho trẻ em, tất, mũ len, khăn lau bếp, một số bánh kẹo Tết…
Tuy nhiên, trên tầng 2 của cơ sở này thì vô vàn hàng hoá không có bất cứ tem nhãn nào, thông tin gì về sản phẩm.
Và vẫn với cách làm việc, sản phẩm nào không có tem nhãn, PV nhặt ra khu vực làm việc thì lực lượng quản lý thị trường sẽ hỏi chủ cửa hàng tìm hoá đơn chứng từ đối chiếu. Sau khi kiểm tra đối chiếu hết về hoá đơn sẽ đến kiểm tra về tem, nhãn.
Sau nhiều giờ đồng hồ ghi nhận thực tế, PV trao đổi với ông Hùng, đội phó Đội quản lý thị trường số 11 hỏi về biên bản kiểm tra của buổi làm việc chiều nay. Ông Hùng cho biết sau khi kết thúc buổi làm việc sẽ có biên bản, nhưng cần liên hệ với ông Khoán, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 để có thông tin chính thức. “Anh là cấp phó, anh không thể cung cấp biên bản cho em được”, ông Hùng nói.
PV cũng thắc mắc về trao đổi cách làm việc của ông Tuấn Anh, ông Hùng khẳng định: “Cậu ấy là cán bộ, không phải là chỉ đạo kiểm tra ở đây. Kể cả em chưa đến thì bọn anh đã kiểm tra rồi, trách nhiệm của bọn anh là kiểm tra, việc của bọn em là phản ánh, cũng không phải là giám sát bọn anh”.
"Đối chiếu hoá đơn, sau đó đến kiểm tra tem nhãn, không đúng quy định sẽ tịch thu"
Gần 4 giờ đồng hồ phóng viên có mặt tại kho cùng cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa, trước lúc PV rời đi, nơi kiểm tra vẫn dừng lại ở phần đối chiếu mấy mặt hàng PV nhặt ra đó. Và khi PV hỏi đoàn kiểm tra, vẫn là điệp khúc: "Đối chiếu hoá đơn, sau đó đến kiểm tra tem nhãn, không đúng quy định sẽ tịch thu". Nhưng không biết khi nào sẽ tịch thu?
Có thể thấy, với việc một tổng kho gia dụng đã bị kiểm tra nhiều lần, lần gần nhất cách nay hơn 1 tháng, thế nhưng thời điểm phóng viên ghi nhận, rất nhiều hàng hoá tại đây ghi là “made in China”, toàn chữ nước ngoài, không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt, thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ…
Người tiêu dùng đặt câu hỏi: Tại sao tổng kho này đã bị kiểm tra nhiều lần mà vẫn tồn tại những sai phạm về tem nhãn hàng hoá, niêm yết giá hàng hoá? Theo đó, rất nhiều kệ sản phẩm không niêm yết giá hàng hoá theo đúng quy định.
Thiết nghĩ, cần phải có những biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này với những hình phạt đủ sức răn đe, mục đích cuối cùng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, để những sai phạm không còn tồn tại theo kiểu kiểm tra xong rồi, “đâu lại hoàn đấy”, phí công vô ích!
Tạp chí Thương hiệu & Công luận cần một câu trả lời của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội về quy trình kiểm tra, cách thức kiểm tra cũng như cách trao đổi, nhấn nhá của cán bộ Đội 11 như trên là chuẩn hay chưa chuẩn, đúng hay sai?
Trúc Mai