Lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn triển khai công tác
Lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn tại Hội nghị quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác hoạt động

Tăng cường trách nhiệm

Trong quý III, do tình hình dịch bệnh Covid- 19 trong nước vẫn có diễn biến phức tạp, vì vậy các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép, xuất nhập lậu hàng hóa qua biên giới. 

Đồng thời, lực lượng chức năng phía Trung Quốc cũng tăng cường các biện pháp quản lý chặt hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập lậu hàng hoá tại các đường mòn, lối mở khu vực cửa khẩu biên giới giáp Việt Nam. Do đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn tỉnh cơ bản được ngăn chặn, chỉ diễn ra nhỏ lẻ.

Tại địa bàn khu vực xã Yên Khoái, Tú Mịch (Lộc Bình) hàng hoá nhập lậu như vật tư nông nghiệp, dược liệu được vận chuyển nhỏ lẻ qua các đường mòn biên giới khu vực mốc 1218, 1219, 1227, 1228, 1249.

Tình hình gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ các đối tượng lợi dụng trong vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử; gian lận sai về kích thước, sai về chi tiết qua nhập khẩu hàng hóa. 

Trong khu vực nội địa, gian lận thương mại về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm trên khâu cố định chủ yếu thông qua lòng tin của khách hàng để gian lận về số lượng, chất lượng và giá hàng hóa. 

Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng việc ban hành các kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra thị trường theo quy trình chuyên môn; ban hành các văn bản đôn đốc, tổ chức các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xử lý trên thị trường; định kỳ tổ chức đánh giá, nhận định tình hình và đề ra giải pháp thực hiện tại các kỳ giao ban hàng tháng.

Cục thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường như: tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính, thương mại điện tử; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phòng chống dịch Covid-19.

Đơi vị tham mưu, tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 24/1/2017 về tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giai đoạn 2016-2021.

Lãnh đạo Cục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn theo Nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã đề ra tập trung thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, với chủ đề “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, sâu sát địa bàn, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”, cụ thể.

Cục ban hành 61 văn bản lãnh đạo để kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt các mặt hàng vật tư y tế, lương thực, thực phẩm trước tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Tổ chức 3 Hội nghị giao ban định kỳ, lãnh đạo Cục tham dự họp định kỳ 22 lượt với các đơn vị; trực tiếp cùng các đơn vị kiểm tra thị trường, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra chấp hành kỷ cương hành chính với 46 lượt để chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ đối với các tập thể, cá nhân trực thuộc.

Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên bám sát tình hình thị trường, chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt các mặt hàng vật tư y tế, lương thực, thực phẩm; đôn đốc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu tại các đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu; kiểm tra, kiểm soát thị trường dược phẩm, thực phẩm chức năng; tăng cường quản lý thị trường mặt hàng phân bón; kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sách giáo dục; kiểm tra kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, hoạt động thương mại điện tử, các trang thiết bị phòng chống dịch và đặc biệt chỉ đạo chú trọng quản lý địa bàn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh nhóm hàng hóa thực phẩm và nhóm hàng hóa đồ chơi trẻ em dịp Tết Trung Thu năm 2021...

Trong quý III, Cục Quản lý thị trường tổ chức ký kết quy chế phối hợp tuyên truyền pháp luật thương mại và văn minh thương mại với UBND 48 xã, thị trấn và 25 ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại; tổ chức ký cam kết đến 366 lượt tổ chức, cá nhân; tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 1.690 lượt tổ chức, cá nhân; thông qua phương tiện thông tin đại chúng 33 lượt, tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử của Cục được 174 tin, bài. 

Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường  thường xuyên phân công, giao nhiệm vụ cho công chức nắm chắc tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, thủ đoạn, phương thức buôn lậu, vận chuyển hàng hóa vi phạm, tăng cường kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, cập nhật bổ sung các tổ chức, cá nhân sản xuất thương mại, dịch vụ vào sổ bộ để quản lý, theo dõi.

 

Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn tăng cường kiểm tra hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn tăng cường kiểm tra hàng hóa

Xử lý nhiều vi phạm

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, trong quý III, Cục tiến hành kiểm tra tổng số 795 vụ, số vụ vi phạm 655; tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính 5.209.550.000 đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 2.728.238.000 đồng. Buộc các đối tượng vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp 437.362.000 đồng. Thông qua kiểm tra thị trường, đã xử lý vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước 2.543.112.000 đồng. 

Cụ thể, về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường mặt hàng thực phẩm, Cục phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Kết quả, đơn vị tổ chức kiểm tra 67 vụ việc, phát hiện và đã xử phạt 62 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 107.000.000 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 236.164.000 đồng.

Về kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, đơn vị triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các tụ điểm, phương tiện vận chuyển; phối hợp xác minh, xử lý vi phạm về nguồn gốc hàng hóa nhập lậu ghi trên hóa đơn bán hàng, các hành vi gian lận thương mại qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết quả đã kiểm tra, xử lý 259 vụ việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, xử phạt vi phạm hành chính 3.720,550 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 8.897,139 triệu đồng, buộc nộp ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do do vi phạm hành chính 2.820,305 triệu đồng.

Đối với công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, Cục kiểm tra, xử lý 28 vụ việc hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính 274.000 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá tương đương hàng thật 1.109.935 triệu đồng.

Lĩnh vực kiểm tra mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm soát việc chấp hành giá, chấp hành thời gian mở cửa hàng, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng. Kết quả kiểm tra xăng dầu, khí hóa lỏng 47vụ, xử phạt 8 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 40.250.000 triệu đồng.

Đối với công tác kiểm tra hàng hóa qua hoạt động thương mại điện tử, Cục chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, phát hiện, xử lý vi phạm trọng hoạt động thương mại điện tử nhất là trong giai đoạn cách ly vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Kết quả đã kiểm tra 13 vụ, xử lý 13 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính 34.700.000 đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 33.805.000 đồng, tịch thu nhiều đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm không có nhãn hàng hóa theo quy định vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nguyễn Kiên