Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, tình hình tình hình thị trường trên địa bàn thành phố ổn định; nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, giá cả ổn định. Tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động bình thường, hàng hóa không khan hiếm. Tình hình kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn trên địa bàn thành phố tại thời điểm báo cáo vẫn diễn ra bình thường, không khan hiếm.
Riêng tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam hoạt động mạnh hơn.
Trong tháng 7, đơn vị đã xử lý là 297 vụ, thu nộp ngân sách với số tiền là 5.589.918.000 đồng từ tiền thu phạt hành chính. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy là 959.081.000 đồng. Trong đó, nổi cộm là tình trạng vi phạm về hàng hóa nhập lậu.
Theo đó, trong tháng 7, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, đã kiểm tra, xử lý 92 trường hợp vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 146.185 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm. Các sản phẩm hàng hóa vi phạm gồm dụng cụ cầm tay, dụng cụ làm đẹp, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, phụ kiện điện thoại di động, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, văn phòng phẩm, vải, giày dép…
Các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 120 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 125.704 đơn vị sản phẩm. Các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 124 trường hợp vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 19.358 đơn vị sản phẩm dụng cụ làm đẹp, quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, văn phòng phẩm, thuốc tân dược…
Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 1 vụ hàng lậu, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.
Điển hình như, ngày 28/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Công ty TNHH Tổng Kho Đồ Chơi Trẻ em Sài Gòn, địa chỉ 46 Đường số 7, Khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận có 1.605 bộ đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc có hóa đơn, chứng từ, có nhãn hàng hóa, có tem hợp quy theo quy định. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện có 435 đơn vị sản phẩm bộ đồ chơi trẻ em lắp ráp các loại, xuất xứ Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có tem hợp quy theo quy định. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 21.490.000 đồng.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhận định tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như facebook, zalo… hoạt động trên nền tảng di động trong tình hình hiện nay rất phức tạp, việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.
Dự báo, những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thành phố sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng đan xen nhiều thách thức khi giá cả hàng hóa dự báo có nhiều biến động do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ bản. Chưa kể, cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng mạnh dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng...
Đồng thời, cuối năm hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trên thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa. Do vậy, lực lượng Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ chú trọng kiểm tra, rà soát kỹ tình hình giá cả hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, tăng giá bất hợp lý, găm hàng.
Phong Vân