Thực tế, Bộ NN&PTNT chưa nhận được khuyến cáo nào từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) tại Việt Nam về vấn đề này.
Đại diện Cục Thú y cho biết, Việt Nam đã có quy định về việc khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong khi đó, trên thế giới chưa có nước nào phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn châu Phi. Ngay tại Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát, buộc phải tiêu hủy hơn 1 triệu con lợn mắc bệnh, nhưng cũng không phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi xung quanh nhà dân tại tỉnh Lai Châu
Cục Thú y khẳng định: DTLCP không lây sang người, không nguy hiểm đến sức khỏe con người nên không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia như khuyến nghị của FAO.
Trước đó, thông tin về việc FAO khuyến nghị Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia xuất phát từ một thông cáo báo chí của Cơ quan đại diện FAO tại Việt Nam gửi thư riêng đến các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, chính phía Bộ NN&PTNT, Cục Thú y lại cho biết, chưa nhận được thông tin chính thức của FAO gửi và FAO cũng chưa làm việc với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) về nội dung này.
Được biết, trước đây FAO cũng từng khuyến nghị, Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch cúm gia cầm. Song phía Việt Nam đã bác yêu cầu này và trên thực tế, những năm sau đó Việt Nam đã làm rất tốt và khống chế được dịch cúm gia cầm mà không cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Hằng Vương