Theo đó, Cục Thuế thành phố Hải Phòng là đơn vị phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ đạo 389, có cơ cấu, thành phần gồm Trưởng ban là ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban thường trực là ông Trần Thành Vin, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng cùng các Phó Trưởng ban và các thành viên. Trong đó một Phó Cục trưởng Cục Thuế là thành viên của Ban Chỉ đạo. Ngoài ra, Cục Thuế có cử cán bộ tham gia tổ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cùng với đoàn liên ngành thành phố.
Trường hợp, phát hiện các hành vi nhập lậu, gian lận, thương mại thì đoàn liên ngành sẽ xử lý tịch thu theo quy định, không xử lý thuế đối với hàng hóa nhập lậu, gian lận.
Đối với hàng hóa nhập từ nước ngoài về, sẽ qua Hải quan kiểm soát, khi bán ra thị trường sẽ theo 02 nguồn: Cá nhân kinh doanh/hộ cá nhân kinh doanh hoặc qua doanh nghiệp, cụ thể: Đối với doanh nghiệp sẽ do doanh nghiệp kê khai, nộp thuế; Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ nộp thuế theo 2 hình thức: Phương pháp khoán và kê khai.
Hiện nay, Cục Thuế thành phố Hải Phòng là một trong 6 Cục Thuế toàn quốc (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bình Định) triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế giai đoạn I đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: Sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua; góp phần phát hiện sớm các gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn, giúp ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
Cục Thuế cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Thuế rà soát mức khoán thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đặc biệt từ năm 2022 đưa hộ đáp ứng hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, sử dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 88/2021/TT-BTC, cơ quan thuế sẽ tăng cường kiểm tra hộ kê khai.
Đối với hàng hóa “xách tay” từ nước ngoài về được bày bán trên thị trường: Nếu hàng hóa này có nguồn gốc, đủ chứng từ nhập mà phát hiện trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ xử lý truy thu. Nếu thuộc hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc thì đoàn liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 sẽ xử lý theo quy định.
Đồng thời, Cục Thuế thành phố Hải Phòng cũng rất mong nhận được các thông tin về các hiện tượng gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố từ các cơ quan báo chí, đặc biệt thông tin cá nhân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nhưng có bán hàng trong các ngõ, kinh doanh online.
Như vậy, tại nội dung trả lời này Cục thuế Hải Phòng đã hướng dẫn người tiêu dùng cách kiểm tra thông tin hàng hóa qua việc đề nghị tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh xuất hóa đơn điện tử và mong nhận được thông tin về các hiện tượng gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố từ các cơ quan báo chí, đặc biệt thông tin cá nhân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nhưng có bán hàng trong các ngõ, kinh doanh online.
Tuy nhiên, nội dung về về việc kiểm tra, xử lý đối với các loại hàng hóa này thì không thấy Cục Thuế đề cập đến. Rất mong Cục Thuế Hải Phòng sớm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về kiểm tra xử lý đối với loại hàng hóa này.
Tạp chí Thương hiệu & Công luận trân trọng sự phối hợp của Cục Thuế Hải Phòng để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp, thương hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hàng hóa, theo Nghị định 41/CP-CP về chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Quỳnh Nga