Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho thấy, riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, các số liệu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay. 

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT, từ giữa năm 2022, khi dịch Covid-19 lắng xuống, thì vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái sôi động trở lại.

Ông Linh nhấn mạnh, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi; sản phẩm bị làm giả, làm nhái đủ mọi chủng loại; Tiêu thụ hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử trở nên phức tạp. Có đến 80 - 90% hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, mua bán trên mạng.

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa. Ảnh:Tổng cục QLTT.
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa (Ảnh:Tổng cục QLTT)

Theo Tổng Cục QLTT, hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại đầu tiên chính là đối với người tiêu dùng; và ở góc độ doanh nghiệp, cũng chịu thiệt hại.

Việc hàng giả quá nhiều, khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm. Thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng giá rẻ.

Chia sẻ với báo giới, ông Phan Thanh Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP NPOIL cho biết, hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp và trong đó có NPOIL. Hiện tại, Công ty NPOIL đã thực hiện triển khai các công tác tuyên truyền, marketing để chống hàng giả; thay đổi mẫu mã; đồng thời ứng dụng các công nghệ chống giả lên sản phẩm để ngăn chặn hàng giả cho sản phẩm.

Đối với các gian hàng của công ty trên thương mại điện tử, đơn vị đã triển khai đăng ký các gian hàng Mall và cung cấp các giấy tờ chứng minh chất lượng để người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm.

Chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp của mình, bà Bùi Thị Thu Hiền - đại diện bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần, cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn, tem sản phẩm.

URC cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không, từ đó, đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.

Bà Hiền đề nghị, các cơ quan chức năng cần phải đẩy nhanh quá trình xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao mức phạt đối với chủ thể vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần nhằm tăng tính răn đe.

Hiện nay, các văn bản pháp luật, chế tài xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ khá hoàn chỉnh, như Luật Sở hữu công nghiệp, Luật Thương mại, quy định phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các luật chuyên ngành khác quản lý theo lĩnh vực dược phẩm, phân bón, các văn bản xử phạt hành chính, những quy định liên quan tại Bộ luật Hình sự...

Tuy nhiên, để đấu tranh chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng hó vi phạm sở hữu trí tuệ, cần sự vào cuộc của nhiều bên hơn. Việc thực thi các chế tài trong thực tế, cũng cần hiệu quả hơn.

 Tâm An