Gần một thập kỷ tranh chấp nội bộ, Eximbank ngày càng trượt dài
Eximbank từng là một trong số các ngân hàng thuộc top dẫn đầu thị trường, góp mặt trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận” của hệ thống ngân hàng. Năm 2011, lợi nhuận của Eximbank lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Thế nhưng, khi bắt đầu xảy ra mâu thuẫn giữa một số thành viên HĐQT thì hoạt động kinh doanh của Eximbank bắt đầu tụt dốc. Đến năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Eximbank chỉ còn 659 tỷ đồng và đến năm 2014 chỉ còn 57 tỷ đồng. Năm 2015, khi cuộc chiến quyền lực giữa các cổ đông nắm quyền kiểm soát ngân hàng bắt đầu nổ ra thì lợi nhuận sau thuế chỉ còn ở mức hơn 39 tỷ đồng. Đến năm 2016, lãi sau thuế đạt gần 309 tỷ đồng và đến năm 2019 đạt 866 tỷ đồng. Năm 2020, nhờ tiết giảm một số chi phí như chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro, Eximbank báo lãi sau thuế đạt hơn 1.070 tỷ đồng. Xét về tổng tài sản, nếu như năm 2013, Eximbank thuộc top 3 trong các ngân hàng thương mại cổ phần, thì đến cuối năm 2020 đã tụt xuống vị trí thứ 15, xếp sau nhiều ngân hàng có cùng quy mô với Eximbank tại thời điểm 2013 như MBBank, Sacombank, Techcombank,…và kém hơn cả những ngân hàng từng xếp nhóm sau như TPBank, VIB...Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Eximbank giảm 5,53% so với năm 2013, trong khi cũng trong thời gian này, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại tăng trưởng tới 128,91%. Vốn điều lệ của Eximbank ở mức 12.355 tỷ đồng và giữ nguyên trong hơn mười năm qua. Hoạt động kinh doanh sa sút khiến Eximbank không chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2013, số lượng nhân viên chuyển việc nhiều dẫn tới chảy máu chất xám, không thể bắt kịp xu hướng chuyển đổi số khiến vị thế ngân hàng ngày càng yếu...
Tranh chấp giữa các nhóm cổ đông giành quyền kiểm soát Eximbank biểu hiện qua mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT khiến hoạt động thượng tầng của Eximbank gần như tê liệt. Nhiều nghị quyết, quyết định thuộc thẩm quyền của HĐQT không thể thông qua do không đủ điều kiện. Kể từ tháng 04/2019 đến tháng 09/2021, Eximbank không có chức danh Tổng giám đốc cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng không có người đại diện theo pháp luật. Kể từ năm 2019 đến nay, Eximbank không thể tổ chức ĐHĐCĐ thành công, dẫn tới không thể thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, những quyết định rất quan trọng liên quan đến hoạt động và chiến lược phát triển của ngân hàng. Chỉ trong vòng 06 năm, Eximbank đã tám lần thay đổi vị trí chủ tịch HĐQT. Ngay từ giữa năm 2015, khi cựu chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao trở thành điểm nóng tại Eximbank khi mà các nhóm cổ đông đều có tham vọng chiếm ghế trong HĐQT để nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Sau 02 lần tổ chức ĐHĐCĐ không thành công, đến tháng 12/2015, Eximbank mới chốt được nhân sự tại ĐHĐCĐ bất thường và ông Lê Minh Quốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, cuộc họp này cũng diễn ra không mấy suôn sẻ khi cổ đông ngân hàng tố cáo có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu. Từ năm 2016 - 2018, các kỳ họp ĐHĐCĐ tiếp tục gây nhiều tranh cãi khi những ồn ào trong việc bầu nhân sự cấp cao tiếp diễn, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế các thành viên HĐQT đương nhiệm, bộ máy lãnh đạo cắt giảm hàng loạt...Đến năm 2018, bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO NamABank), người được coi là đại diện của nhóm cổ đông tập đoàn Hoàn Cầu tham gia HĐQT Eximbank. Mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm khi ngày 22/03/2019, 07 thành viên HĐQT Eximbank họp và ban hành Nghị quyết 112 bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế. Tuy nhiên, ông Quốc khẳng định mình vẫn là chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank, quyết định bãi nhiệm chức chủ tịch HĐQT đối với ông là không có giá trị pháp lý. Ông Quốc cũng có đơn kiện lên tòa án và đến ngày 27/03/2019, TAND TP.HCM đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc HĐQT Eximbank phải dừng Nghị quyết 112. Đến ngày 14/05/2019, ông Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT với lý do theo nguyện vọng cá nhân và tiếp tục giữ chức vụ thành viên HĐQT.
Đến ngày 22/05/2019, ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT. Đến tháng 06/2020, ghế chủ tịch lại được chuyển sang cho ông Yasuhiro Saitoh (trước đây là đại diện của cổ đông chiến lược SMBC - Nhật Bản). Thế nhưng, ngay cả cổ đông chiến lược SMBC cũng đã yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh do SMBC đã chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý với ông Yasuhiro Saitoh kể từ ngày 18/05/2019 nên ông này không đủ tư cách đại diện SMBC tham gia các chức vụ tại Eximbank. Đến ngày 13/04/2021, chỉ trong một giờ, HĐQT Eximbank liên tục ban hành các nghị quyết chuyển giao ghế chủ tịch HĐQT từ ông Yasuhiro Saitoh sang ông Nguyễn Quang Thông rồi lại đổi trở lại ông Yasuhiro Saitoh.
Không chỉ có vậy, một số thành viên HĐQT Eximbank không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của thành viên HĐQT, không hoạt động vì lợi ích của ngân hàng và các cổ đông. Thực hiện ý chí của các nhóm cổ đông đang nắm quyền kiểm soát ngân hàng, một số thành viên HĐQT Eximbank đã không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông chiến lược SMBC, không tổ chức ĐHĐCĐ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay cả khi bị NHNN xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Một số thành viên HĐQT còn thiếu ý thức chấp hành quy định của pháp luật, thực hiện nhiều sai phạm có tính chất hệ thống, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân hàng. Chẳng hạn như ông Lê Minh Quốc, khi đang là chủ tịch HĐQT Eximbank đã tự ý mang con dấu ngân hàng ra đóng dấu vào các văn bản do mình tự soạn, tự ký mà không công bố nội dung cho HĐQT biết. Nếu văn bản đó có thể gây thiệt hại cho ngân hàng thì ngân hàng chính là bên chịu trách nhiệm. HĐQT Eximbank đã tự quyết định phá tòa nhà trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP.HCM để xây trụ sở mới nhưng không xây dựng, bỏ hoang gần chục năm nay. Trong khi đó, lại chi hàng chục tỷ đồng mỗi năm để thuê trụ sở tại tòa nhà Vincom...Bên cạnh đó là hàng loạt các sai phạm liên quan đến hoạt động tín dụng, đặc biệt là cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm cổ đông đang kiểm soát ngân hàng...
Vì đâu nên nỗi
Nguyên nhân của cuộc chiến quyền lực tại Eximbank chính là cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông muốn nắm quyền kiểm soát hoạt động ngân hàng. Kể từ năm 2016, khi nhiệm kỳ 2015-2020 của HĐQT, BKS Eximbank bắt đầu, cơ cấu cổ đông của Eximbank gồm ba nhóm chính. Thứ nhất là nhóm cổ đông Ngô Thu Thúy sở hữu khoảng 22% vốn điều lệ Eximbank, đề cử ông Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng vào HĐQT Eximbank. Việc sở hữu cổ phần Eximbank của bà Ngô Thu Thúy cũng có nhiều ẩn số khi mua cổ phần theo hình thức trả chậm, đồng thời, các công ty liên quan đến bà Thúy đang vay hàng trăm tỷ từ Eximbank. Thứ hai là nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn Hoàn Cầu sở hữu khoảng 34% vốn điều lệ Eximbank, mà đại diện tại HĐQT Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú. Nguồn vốn sở hữu cổ phần Eximbank của nhóm Hoàn Cầu có liên quan đến các khoản vay tại NamABank, nơi mà Hoàn Cầu cũng là cổ đông lớn. Thứ ba là nhóm cổ đông chiến lược nước ngoài Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15% vốn điều lệ của Eximbank mà đại diện là ông Yutaka Moriwaki và Yasuhiro Saitoh. Ngoài ra còn cổ đông lớn Vietcombank và các cổ đông khác. Tranh chấp diễn ra chủ yếu tại hai nhóm cổ đông Ngô Thu Thúy và tập đoàn Hoàn Cầu để nắm quyền kiểm soát ngân hàng, trong đó, nhóm cổ đông Ngô Thu Thúy chi phối hoạt động của HĐQT Eximbank, trong khi nhóm cổ đông Hoàn Cầu nắm quyền chi phối ĐHĐCĐ.
Hoạt động của Eximbank trong thời gian qua đã bị các nhóm cổ đông thao túng, chưa tuân thủ quy định của pháp luật để xảy ra nhiều vi phạm và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thậm chí, cổ đông chiến lược nước ngoài SMBC, một tập đoàn quản lý tài sản lên tới 1.000 tỷ đô la Mỹ, đã nhiều lần gửi đơn tới Chính phủ, NHNN, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, xử lý vi phạm của Eximbank theo quy định của pháp luật và yêu cầu HĐQT Eximbank phải tôn trọng quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Quá bức xúc,đến đầu năm 2022, SMBC đã chủ động chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank trước thời hạn sau hơn 15 năm gắn bó.
Kết thúc hay mở đầu một cuộc chiến mới
Đến thời điểm cuối năm 2019, cơ cấu sở hữu của Eximbank có sự thay đổi, xuất hiện các nhân tố mới. Đầu tiên là nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công, sở hữu khoảng 19% vốn điều lệ của Eximbank. Theo thông tin chúng tôi được biết, tập đoàn Thành Công đã mua lại cổ phần Eximbank từ nhóm cổ đông Ngô Thu Thúy và một số cổ đông khác. Một nhân tố khác là nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn Bamboo Capital (BCG), sở hữu khoảng hơn 10% cổ phần Eximbank. Với cơ cấu sở hữu thay đổi, các nhóm cổ đông đã đề cử người của mình tham gia nhân sự HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, nhóm cổ đông Thành Công đề cử hai ứng viên là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại. Nhóm cổ đông Bamboo đề cử ông Nguyễn Thanh Hùng. Nhóm cổ đông liên quan tập đoàn Hoàn Cầu đề cử bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Đỗ Hà Phương. Nhóm cổ đông Ngô Thu Thúy đề cừ ông Nguyễn Hiếu. Cổ đông SMNC đề cử ông Võ Quang Hiển. Cơ cấu cổ đông của Eximbank bị phân mảnh nhiều hơn với sự xuất hiện của các nhóm cổ đông mới, trong khi các nhóm cổ đông cũ vẫn còn. Trong trường hợp các nhóm cổ đông cùng chí hướng, ngân hàng mới có cơ hội phát triển. Ngược lại, nếu có mâu thuẫn thì đây là khởi đầu cho một cuộc chiến mới chưa có hồi kết.
ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 15/02/2022 chưa cho thấy sự đoàn kết giữa các nhóm cổ đông. Mặc dù có sự tham gia của phần lớn các cổ đông, chiếm tỷ lệ 94,6% cổ đông có quyền biểu quyết nhưng chỉ có 05 Tờ trình được ĐHĐCĐ thông qua, chủ yếu liên quan đến nhân sự HĐQT, BKS và sửa đổi Điều lệ. Còn lại 26 tờ trình khác không được ĐHĐCĐ thông qua liên quan đến báo cáo hoạt động của Ban điều hành, HĐQT, BKS; phân phối lợi nhuận, kinh phí hoạt động và thù lao…
Vai trò mờ nhạt của các cơ quan quản lý
Cần lưu ý rằng, ngân hàng là một doanh nghiệp rất đặc thù khi mà tổng tài sản của ngân hàng phần lớn là huy động từ người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng khác. Gần một thập kỷ tranh chấp quyền lực, đấu đá nội bộ của các nhóm cổ đông khiến hoạt động của Eximbank lao dốc, tiềm ẩn nguy cơ không nhỏ về an toàn hoạt động của Eximbank nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. Thực trạng rối ren tại Eximbank nhiều năm qua, hơn lúc nào hết cần đến vai trò quản lý của NHNN. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, dấu ấn của cơ quan quản lý ngành đối với những vi phạm tại Eximbank chưa thực sự rõ nét, có chăng chỉ là những văn bản yêu cầu và xử phạt vi phạm hành chính đối với một số thành viên HĐQT Eximbank, chưa thực sự có tính răn đe và mang lại hiệu quả. Thậm chí cả việc cổ đông chiến lược SMBC gửi văn bản kiến nghị cũng chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Các cổ đông và dư luận đều rất mong mỏi NHNN mạnh tay, ngăn chặn tình trạng các nhóm cổ đông thao túng, kiểm soát hoạt động ngân hàng, không chấp hành quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhằm mục đích trục lợi, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
Hy vọng, NHNN sẽ quyết liệt hơn nữa, không để tiếp diễn tình trạng tranh chấp quyền lực tại Eximbank như thời gian vừa qua. Tình trạng lộn xộn như đã từng xảy ra tại Eximbank sẽ chỉ là cá biệt và không còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.
Liêm Chính