THCL Chỉ chưa đầy 9 tháng (từ tháng 6/2014 - 3/2015), giá cước đã tăng gần 70%, từ 2.300 lên 3.900 USD/container, trong khi giá các mặt hàng XK không tăng, khiến hàng nghìn DN XNK thủy sản thiệt hại.
DN lao đao vì giá cước
1/4 là thời điểm các hãng tàu đồng loạt thông báo tăng giá cước vận tải biển và các loại phụ phí, cho dù gần 9 tháng qua, các DN XNK đã kêu trời vì giá cước quá cao. Đồng thời, các hãng tàu cũng thông báo sẽ đồng loạt tăng các loại phụ phí như phí bốc xếp tại cảng, phí chứng từ… loại phí vô lý nhất là phí mất cân bằng container cũng tăng từ 60 USD/container 40 feet lên 100 USD/container. Các hãng tàu dường như quá “vô cảm”, họ không quan tâm đến các động thái của Chính phủ, cơ quan quản lý và sự bức xúc của các DN XNK.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (Vasep) nêu khó khăn của DN XNK thủy sản đang phải gánh chịu về việc tăng cước phí vận tải biển, các loại phụ phí vô lý của các hãng tàu nước ngoài. Nếu tháng 6/2014 là thời điểm tăng giá cước cao của các hãng tàu nước ngoài, 1 container 20 feet thủy sản khô đi thị trường Mỹ là 2.300 USD thì tháng 3/2015, giá cước đã tăng gần 70%, lên 3.900USD/container. Trong khi giá trị các mặt hàng xuất giao động không lớn, chi phí đầu vào trong nước như điện, nước, xăng dầu tăng làm cho chi phí gia công, sơ chế tăng, cùng với giá cước tăng gấp 70% thì DN làm sao lại?
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Cafatex chia sẻ: Trung bình chi phí vận chuyển chiếm khoảng 15 - 20% tổng doanh thu của DN. Việc tăng giá cước lên 70% như hiện nay - sẽ đẩy chi phí vận tải lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
Loay hoay tìm giải pháp
Ông Kịch cho biết: “Không phải tới bây giờ DN mới lên tiếng, mà cách đây 3 - 4 năm chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng rồi mọi việc lại chìm vào quên lãng”.
DN thủy sản hiện đang “cõng” hàng chục khoản phụ phí bất hợp lý. Chẳng hạn như phí mất cân đối vỏ container (CIC). Đáng lẽ, phí này phải tính vào cước vận chuyển ở đầu nước XK thì mới hợp lý và thu vào những thời điểm có sự mất cân đối container giữa 2 đầu. Nhưng hiện nay, các DN vẫn phải đóng cho hãng tàu nước ngoài từ 50USD/container 20feet và 100USD/container 40feet. Thêm vào đó, nhiều số khoản phí các hãng tàu thu của chủ hàng để nộp lại cho cảng thường bị kê thêm để hưởng chênh lệch. Ví dụ, phí xếp dỡ tại cảng, mức thu thông thường là 20USD/container 20feet và 35USD đối với container 40feet, nhưng các hãng tàu thường thu từ 60 - 120USD/container - là rất bất hợp lý.
Vì sao các hãng tàu nước ngoài lại có thể tác oai tác quái, tăng phí vô tội vạ mà không bị các cơ quan chức năng hay một luật lệ nào của Việt Nam “sờ gáy” - là câu hỏi được các DN đặt ra. Lý giải điều này, ông Kịch cho rằng, có 2 nguyên nhân chính: Một là, thiếu sự quản lý, giám sát các hãng tàu, để họ tự tung tự tác; Hai là, nếu như ngày trước các hãng tàu đổ thừa cho việc tắc nghẽn tại cảng nên thu phụ phí tắc nghẽn, thì bây giờ lại đổ thừa cho các cảng của Việt Nam. Họ cho là chi phí tại cảng cao, thất thường nên buộc hãng tàu phải tăng giá.
Trong khi đó, Luật Chống độc quyền của Việt Nam đã có, nhưng chưa được áp dụng hiệu quả. Đáng lẽ ra, có luật rồi thì Nhà nước phải triển khai sâu sát, hướng dẫn DN để họ hiểu và có tiếng nói.
Bộ GTVT sẽ vào cuộc quyết liệt
Trong lúc các cơ quan chức năng lúng túng, DN bế tắc tìm lời giải cho vấn đề cước, phụ phí thì mới đây, trong cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, việc thu phụ phí, cước phí của các hãng tàu biển nước ngoài một cách không có cơ sở hay việc tăng - giảm bất hợp lý là sự cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền thị trường. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Ông Công nói: Cái khó là bản thân các DN cho rằng bị thu oan uổng, vô lý, nhưng không ai dám kiện tụng (?!). Tôi cũng thông cảm với vấn đề của DN trong việc cân nhắc kiện tụng sẽ gây ra những phiền phức trong quá trình giao dịch nhưng rõ ràng, câu chuyện nằm ở chỗ, bản thân DN không dám đứng ra kiện thì Nhà nước sẽ rất là khó can thiệp. Đẩy chúng tôi vào tình thế phải bàn họp rất nhiều lần, phải đắn đo, cân nhắc. Cuối cùng, chúng tôi đành phải chấp nhận một thực tế: Bản thân các DN không dám nói nên Nhà nước buộc phải đứng ra lên tiếng.
Nói về những giải pháp cho vấn đề tăng giá cước, phụ cước, theo Thứ trưởng thì: Thứ nhất, liên quan tới giá cước và các loại phụ cước, trong thời gian qua, chúng tôi đang sửa đổi một số điều Luật Hàng hải Việt Nam. Đồng thời, đang nghiên cứu đưa nội dung này vào trong Luật Hàng hải để làm sao ít nhất chúng ta kiểm soát việc công khai giá cước và phụ cước của bất cứ hãng tàu nước ngoài đang kinh doanh, hoạt động tại Việt Nam. Thứ hai, liên quan tới phụ cước, chúng ta phải chấp nhận một số loại theo thông lệ quốc tế, nhưng cần phải có các quy định, chế tài để kiểm soát. Còn những loại phí nào không hợp lý thì chúng ta kiên quyết không cho thu. Đương nhiên, Nhà nước phải tìm cách đưa nó vào những văn bản pháp luật chứ hiện nay vẫn “buông lỏng”, chưa xử lý được…
Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng loạt và thường xuyên DN vận tải biển, cảng biển; đồng thời sẽ đưa những chế tài kiểm soát các loại phí, phụ phí trong sửa đổi Luật Hàng hải. Đây là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng hải. Thêm nữa, các cơ quan có thẩm quyền đang nghiên cứu quy định của Việt Nam và quốc tế để xem xét các DN vận tải có vi phạm Luật Cạnh tranh, thế độc quyền thống lĩnh thị trường hay không.
Hoàng Phương