Theo thạc sĩ Trần Thị Lệ Chi, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa khôi Du lịch Đà Nẵng, 03 chiếc vương miện này được lên thiết kế tỉ mỉ cho từng tác phẩm với ý nghĩa sâu sắc. Những hình ảnh đặc trưng của du lịch Đà Nẵng đã được kết hợp khéo léo để tạo nên những chiếc vương miện mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống nhưng vẫn hiện đại, tinh tế.
Trong đó, vương miện Hoa khôi được lấy cảm hứng chính từ các cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng của TP.Đà Nẵng. Cảnh thành phố đêm lấp lánh cùng những cây cầu tuyệt đẹp nối đôi bờ sông Hàn thơ mộng, được cách điệu khéo léo thành những đường cong duyên dáng ánh sắc vàng phía đai vương miện.
Đường cong của chiếc cầu Rồng nổi tiếng còn được hòa quyện cùng những con sóng nhấp nhô biểu trưng cho đường biển dài và giàu tài nguyên của thành phố Biển Đà Nẵng, điểm xuyết cùng ngọc trai Akoya quý hiếm như sự hội tụ tinh hoa của đất trời và như một lời cám ơn thiên nhiên hậu đãi cho vùng đất này.
Vương miện cũng nổi bật với hình tượng Ngũ Hành Sơn hùng vĩ được thể hiện qua 5 chóp nổi trội của thiết kế, nhấn nhá cùng đá thạch anh tím - dòng đá thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Đà Nẵng. Cả tổng thể ấn tượng với sắc vàng đẳng cấp, đường nét vừa mềm mại vừa tinh tế như: Vẻ đẹp và sự thông tuệ của phụ nữ Việt Nam - nét đẹp đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu mà không chút khoa trương.
Vương miện Á Khôi 1 được thiết kế từ ý tưởng nền của vương miện Hoa Khôi, tuy nhiên có đôi chút cách điệu để mang đến sự khác lạ và vẫn đảm bảo được trọn vẹn tinh thần của ngôi vị. Các nhà thiết kế đã chuyển thể núi non trùng điệp của thành phố biển xinh đẹp vào phần chóp vương miện và rực rỡ cùng đá CZ tím, như sự hòa quyện, gắn kết giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp.
Vương miện là lời ngợi ca vẻ đẹp cũng như tâm hồn sắt son, bình dị và đầy cuốn hút của cô gái trẻ đang ở thời kỳ rực rỡ nhất.
Còn với vương miện Á Khôi 2, các nghệ nhân kim hoàn đã làm bật lên tinh hoa biển trời của vùng duyên hải miền Trung này một cách vô cùng tinh tế. Vương miện được cẩn tỉ mỉ từng viên đá CZ trắng lấp lánh theo đường viền vương miện, tất cả cùng một mục đích nhấn nhá tinh tế để làm nổi bật tuyệt đối vào những hạt ngọc trai quý hiếm, tinh khôi. Vương miện là sự nhân hóa ý nhị biển trời và tinh hoa vùng đất Đà thành, uyển chuyển cùng tâm hồn của cô gái thanh tú, bình yên và thuần khiết.
Đặc biệt, do năm nay nước ta trải qua rất nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, rồi lại đến lũ lụt hoành hành ở miền Trung. Do đó, BTC đã cân nhắc để không công bố giá trị của vương miện nhằm giữ lại một giá trị nhân văn trong tình hình hiện nay. Đồng thời, đại diện BTC cũng cho rằng, ý nghĩa của vương miện là vô giá và không thể cân đo đong đếm được.
Bà Lệ Chi - Trưởng BTC cho biết thêm, BTC đang đề xuất nâng tầm cuộc thi lên thành Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng để khẳng định tầm vóc, uy tín cũng như sức lan tỏa hình ảnh gương mặt đại diện cho ngành du lịch thành phố.
"Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 nhưng cuộc thi vẫn hứa hẹn tạo một sự kiện văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, tâm hồn và trí tuệ thiếu nữ Việt", bà Chi chia sẻ.
Trước đó, tại buổi họp báo của cuộc thi, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2020 và 2021, ngành du lịch TP. Đà Nẵng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19 và thời tiết không thuận lợi. Hiện, thành phố biển đã đề ra các phương án nhằm đón du khách trở lại trong tình hình mới.
Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Đà Nẵng sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần, nhằm tìm kiếm gương mặt đại sứ cho thành phố biển xinh đẹp này trong các hoạt động văn hóa, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Tiêu chí hướng đến trong việc lựa chọn thí sinh chính là sự năng động, tự tin, có sức lan tỏa đến cộng đồng. Thí sinh đăng quang sẽ là người hội đủ các yếu tố về tri thức, sự duyên dáng, hình thể, tâm hồn, bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại trong môi trường hội nhập và giao tiếp Quốc tế. Đây cũng là hoạt động góp phần khôi phục nhanh các hoạt động kinh tế, xã hội - đặc biệt là du lịch TP. Đà Nẵng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hoàng Nguyên