Chiều nay (20/11), TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) liên quan đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Phiên tòa chiều nay bắt đầu muộn hơn thường lệ 30 phút. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết theo báo cáo của Phòng y tế, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa huyết áp cao nên kiến nghị tòa cho ngồi ghế. Tuy nhiên, ông Hóa nói vẫn đứng trả lời được.
Tiếp tục phiên tòa, chủ tọa yêu cầu bị cáo Hóa làm rõ việc bị cáo không thừa nhận CNC là công ty bình phong của C50, cũng như không biết CNC đang hợp tác cùng công ty VTC online tổ chức đánh bạc nhưng trong văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an thể hiện nội dung này lại có chữ ký của bị cáo?
Ông Nguyễn Thanh Hóa
Ông Hóa nói, bản thân không còn nhớ nhiều công văn mà ông đã ký hoặc văn bản gửi cấp trên liên quan đến hoạt động của Công ty CNC.
Chủ tọa nhắc lại đó là công văn do một Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát lúc đó ký, đề cập đến việc liên kết vận hành 2 cổng game Rikvip và 23zdo. Ông Hóa nói, đã nhớ ra và giải thích thêm trong văn bản ông ký nháy gửi Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh không nói 2 cổng game trên đã được cấp phép.
“Không hiểu tại sao từ Tổng cục báo cáo lên trên lại là có giấy phép. Có thể tôi đã ký nháy nhưng không đọc lại”, ông Hóa nhấn mạnh.
HĐXX liền hỏi: Quá trình điều tra, bị cáo có bị bức cung dùng nhục hình hay không? Ông Hóa nói: “Tôi không bị!”.
HĐXX hỏi: Tại sao trong hồ sơ có lời khai của bị cáo thể hiện CNC là công ty bình phong của C50 từ năm 2011 đến 2017?. Ông Hóa trả lời: Lúc đó tôi đang nằm viện, mất ngủ hàng tháng. Cơ quan điều tra hỏi có làm việc được không, tôi bảo có nhưng đầu óc tôi không tỉnh táo nên có nhờ luật sư ghi lại lời tôi, sợ rằng có nhưng tôi không nhớ. Một lần nữa, tôi xin khẳng định không có lời khai nào thể hiện CNC là công ty bình phong.
Cho rằng ông Hóa chưa thành khẩn, đại điện VKSND tỉnh Phú Thọ yêu cầu bị cáo khẳng định một lần nữa CNC là công ty bình phong từ bao giờ? Ông Hóa nói: Công ty của Nguyễn Văn Dương thành đơn vị nghiệp vụ khi được Tổng cục cảnh sát chấp nhận. Giai đoạn 2011-2015, hai bên ký ghi nhớ nhưng không có hợp tác nghiệp vụ.
Tiếp đó, HĐXX đã công bố lời khai của bị cáo Hóa tại cơ quan điều tra: Năm 2011, công ty CNC là công ty bình phong của C50 nhưng năm 2015 mới có quyết định của Tổng cục trưởng về việc CNC là công ty bình phong.
Bút lục khác thể hiện, ông Hóa khai: “Trong thời gian CNC là công ty bình phong của C50 từ năm 2011 tới tháng 6/2017, tôi có yêu cầu công ty phải có báo cáo về tội phạm mạng hàng tháng, hàng quý gửi C50”.
Ông Hóa giải thích: Thời gian đầu tôi rất mệt, nằm trong trại rất nóng nên thần kinh không ổn định, có thể khai không đúng với chứng cứ của cơ quan điều tra đã thu thập. Nay ra tòa tôi sẽ khai đúng các chứng cứ.
Tiếp đó, VKS trình chiếu văn bản của C50 do bị cáo Hóa gửi Cục Chính trị hậu cần (C43) thể hiện C50 đã hợp tác với CNC về nghiệp vụ; đề nghị C43 cho C50 và CNC sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám của Tổng cục Cảnh sát.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cho rằng, văn bản ghi như trên nhưng thực tế, CNC không phải công ty bình phong, bản thân bị cáo chưa bao giờ chỉ đạo nghiệp vụ với CNC.
HĐXX hỏi: Với vai trò Cục trưởng C50, bị cáo nghĩ gì khi các game bài quảng cáo công khai trên mạng? Ông Hóa nói: Chúng tôi là cục kỹ thuật, phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý. Cá nhân tôi lên mạng xem thật sự rất ít, tôi không biết chơi game.
Trong buổi sáng nay, trả lời HĐXX, ông Nguyễn Thanh Hóa khai: Sau khi được phê duyệt chủ trương lập công ty nghiệp vụ cho C50, ông cùng cấp dưới thỏa thuận để ký văn bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương. Trong đó, C50 đồng ý đóng góp 20% vốn và cử người tham gia, đổi lại C50 được nhận 20% lợi nhuận. Trên thực tế, sau khi ký văn bản ghi nhớ với CNC, đã báo cáo Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh về việc C50 không có nhân lực và vốn để tham gia hợp tác với CNC. Do đó, C50 không thực hiện theo bản ghi nhớ nữa. Như vậy, CNC không phải là công ty bình phong, không có cơ sở và cũng không có quyết định nào công nhận điều đó.
Hoan Nguyễn