Cụ thể: Để hỗ trợ kịp thời cho Việt Nam khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của bão số 3, chính phủ Hàn Quốc cam kết viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD để giúp người dân Việt Nam khôi phục các khu vực bị thiệt hại.
Chính phủ Anh công bố hỗ trợ 1 triệu bảng (tương đương 32 tỷ đồng) giúp Việt Nam ứng phó với tác động của cơn bão số 3 (bão YAGI) trong giai đoạn đầu.
Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) cũng cho biết sẽ gửi hàng cứu trợ cho Việt Nam, bao gồm 300 lều gia đình và 2 hệ thống phân phối nước phục vụ 10.000 người. Mỹ thông qua tổ chức USAID hỗ trợ 1 triệu USD, nhấn mạnh cam kết lâu dài đối với Việt Nam trong việc cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai.
Chính phủ New Zealand cũng công bố khoản đóng góp 1 triệu NZD nhằm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả nặng nề của bão, tập trung ứng phó khẩn cấp và phục hồi sinh kế.
Chính phủ Australia công bố sẽ cung cấp khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD, bao gồm nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, vật tư cứu trợ khẩn cấp và các dịch vụ thiết yếu khác; đặc biệt hướng tới các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất và những nhóm dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật… Gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước những mất mát do thiên tai gây ra, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhấn mạnh sự đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão. Đại sứ Andrew Goledzinowski cũng đánh giá cao sự chỉ đạo hiệu quả, phản ứng nhanh của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối các hoạt động cứu trợ và ứng phó khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Trong khuôn khổ Chiến dịch Sadbhav (Tạm dịch: Thiện chí), Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya cho biết: Chính phủ Ấn Độ cũng vừa vận chuyển lô hàng 35 tấn gồm các mặt hàng viện trợ nhân đạo trị giá 1 triệu USD cho Việt Nam.
“Nhằm hỗ trợ và thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam, chính phủ Ấn Độ đã gửi một máy bay viện trợ đặc biệt mang theo 35 tấn hàng hóa gồm có: máy lọc nước, chăn, màn chống muỗi, bộ đồ dùng nhà bếp, bể chứa nước, xô chứa nước có vòi và đèn năng lượng mặt trời dựa theo nhu cầu của các cộng đồng bị ảnh hưởng, đặc biệt tại tỉnh Tuyên Quang”, Đại sứ Sandeep Arya chia sẻ.
Về lâu dài, theo Đại sứ Sandeep Arya, việc Việt Nam mới đây tuyên bố tham gia Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) có trụ sở tại Delhi sẽ giúp các bên chia sẻ kiến thức, công nghệ, năng lực, thiết lập tiêu chuẩn, dự báo rủi ro, tài trợ nghiên cứu... góp phần giảm thiểu rủi ro trước thiên tai và cũng như tái thiết sau thiên tai.
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng quyết định chuyển hàng viện trợ khẩn cấp bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới tỉnh Yên Bái. ASEAN và UNICEF cũng triển khai hàng viện trợ thiết yếu như dụng cụ gia đình, nước sạch và vật phẩm vệ sinh đến các vùng bị ảnh hưởng.
Các tổ chức khác như: UN Women, Đại sứ quán các nước Châu Âu đang phối hợp với Việt Nam để xác định các nhu cầu khẩn cấp và phương án hỗ trợ phù hợp, nhằm giúp người dân trong các vùng bị ảnh hưởng nhanh chóng vượt qua hậu quả thiên tai và sớm ổn định cuộc sống.
PV (t/h)