Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện cả nước có 429 đập thủy điện, các công trình thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích chứa nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng công suất 20.000 MW (chiếm 37% công suất phát cả nước). Đây là nguồn năng lượng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân, là năng lượng tái tạo quan trọng, mức độ ô nhiễm ít.
Cũng theo Bộ trưởng, thủy điện có tính 2 mặt. Đây là nguồn điện quan trọng cho đất nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, hạ tầng điện cả nước, đảm bảo an ninh năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình
Các hồ chứa nước góp phần tích nước, cắt giảm điều tiết lũ. Song thủy điện cũng ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, khí hậu, đời sống dân sinh, dòng chảy, địa chất, nguồn lợi thủy sản, chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn…
“Từ sau Nghị quyết 62 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ, công tác phát triển thủy điện nói chung, quản lý an toàn hồ thủy điện… đã được đảm bảo. Hàng năm đều có kiểm tra giám sát, báo cáo theo Nghị quyết 62 của Quốc hội về sự an toàn của hồ đập thủy điện, sự vận hành của hệ thống thủy điện trong phòng chống lụt bão” – Bộ trưởng cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng chính phủ về việc kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của thủy điện, không cho phép tác động vào diện tích rừng tự nhiên, từ năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành tuyệt đối không bổ sung dự án thủy điện nào nếu sử dụng diện tích đất rừng tự nhiên.
Thực tế, diện tích chiếm dụng đất của dự án được bổ sung quy hoạch và tố chức triển khai đã giảm. Nếu theo Thông tư 43, việc chiếm dụng đất không vượt quá 10 ha/1 MW, song trên thực tế chỉ có 1.9 ha/1 MW. Điều này chứng tỏ chúng ta đã thực thi chính sách chặt chẽ, nghiêm túc – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
PV