Mô hình Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu - TP. Đà Nẵng.
Mô hình Dự án Xây dựng cảng Liên Chiểu - TP. Đà Nẵng.

Theo danh mục dự án thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030, của địa phương này có 09 dự án ở lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics.

Đồ án Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 đã khẳng định, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; là trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế.

Trên thực tế, trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng có mức độ phát triển cao nhất, cũng là địa phương có vị thế, nền tảng và cơ hội phát triển mạnh nhất. Nếu lấy Đà Nẵng làm tâm và bán kính 200 km ra xung quanh, ta sẽ được một vùng không gian rộng lớn với dân số khoảng 05 triệu người, bao gồm các đô thị lớn như: Huế, Hội An, Tam Kỳ và Quảng Ngãi, trở thành vùng thị trường tiềm năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt xét trên cả hai khía cạnh cung - cầu của Đà Nẵng và các địa phương trong vùng.

Vì vậy, “chìa khóa” chiến lược phát triển cho Đà Nẵng phải được củng cố, đồng thời, cần tăng cường các hoạt động kinh tế đô thị, hướng chúng đến các tỉnh liền kề, thông qua kết nối hạ tầng.

Đầu tiên, Đà Nẵng thu hút đầu tư dự án 92 bến khởi động cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) trong giai đoạn 2022 - 2025, tổng vốn đầu tư do nhà đầu tư đề xuất, hình thức đầu tư là 100% vốn của nhà đầu tư.

Theo đó, 02 bến khởi động này của cảng Liên Chiểu gồm: 1 bến container và 1 bến hàng tổng hợp với diện tích phần kêu gọi đầu tư 02 bến khởi động là 45ha, chiều dài bến 750m.

Sau khi xây dựng xong, 02 bến này có khả năng sẽ tiếp nhận tàu hàng tải trọng đến 100.000DWT và lớn hơn, tàu container từ 6.000 - 8.000 TEUS, tàu dầu đến 30.000DWT.

Tiếp theo, Đà Nẵng thu hút đầu tư dự án Trung tâm Logistics cảng Liên Chiểu (phân kỳ đầu tư 2025 - 2030). Hình thức đầu tư là 100% vốn của nhà đầu tư; quy mô vốn đầu tư do nhà đầu tư đề xuất.

Mục tiêu của dự án này là hình thành trung tâm logistics cảng biển cấp vùng, hạng 01, quy mô đến năm 2030 là 35ha (đất chưa giải phóng mặt bằng), nhà đầu tư đề xuất phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Cũng trong đợt này, Đà Nẵng cũng thu hút đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với quy mô đến năm 2030 là 04 ha (đất chưa giải phóng mặt bằng). Nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư 2025 - 2030 phù hợp theo từng giai đoạn phát triển.

Đôi với tuyến đường sắt, dự án Trung tâm Logistics ga hàng hóa Kim Liên (tại Ga đường sắt mới Kim Liên, gần KCN Hòa Khánh), đến năm 2030 có quy mô 05 ha (đất chưa giải phóng mặt bằng) đang được địa phương này thu hút đầu tư trong thời gian này.

Theo đó, nhà đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư 2025 - 2030 phù hợp theo từng giai đoạn phát triển.

Dự án Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng (phân kỳ đầu tư 2022 - 2025) là trung tâm phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường sắt; quy mô đến năm 2030 là 03ha (đất đã giải phóng mặt bằng, thuộc Khu công nghệ cao Đà Nẵng).

Dự án Trung tâm Logistics Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) là tổng kho và trung chuyển hàng hóa các loại để khai thác lợi thế cảng biển. Dự kiến diện tích khoảng 20 - 25ha (đất nông nghiệp , đất ở nông thôn), phân kỳ đầu tư 2023 - 2030.

Vị trí thực hiện Cảng Liên Chiểu. Ảnh: Cao Thái..
Vị trí thực hiện Cảng Liên Chiểu. Ảnh: Cao Thái...

Dự án khu phụ trợ phát triển ngành bán buôn Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Diện tích dự án từ 50 - 55ha (đất nông nghiệp, đất ở nông thôn), phân kỳ đầu tư 2026 - 2030.

Cuối cùng, Đà Nẵng thu hút đầu tư vào dự án Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là khu vực phát triển logistics, thương mại điện tử, hỗ trợ chuyển đổi số. Diện tích khu đất là 56ha (đã phê duyệt quy hoạch, chưa giải tỏa đền bù) nằm cạnh Khu CNTT tập trung và Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Tất cả các dự án trên có hình thức đầu tư là 100% vốn của nhà đầu tư, quy mô vốn do nhà đầu tư đề xuất.

Ngoài các dự án giao thông, Đà Nẵng trong dịp này cũng thu hút đầu tư nhiều dự án khác liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo; lĩnh vực Y tế; văn hóa - thể thao...

Trong 05 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án trong nước với tổng vốn gần 3.390 tỷ đồng (gấp 6,7 lần cùng kỳ năm 2021) và 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 06 triệu USD, 09 dự án FDI tăng vốn và 10 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế.

Hoàng Gia Bảo