Du lịch, lưu trú bứt phá

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, Phó Chủ tịch Thường trực UBNĐ TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.

Trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Những thành tựu đó đã được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc gia, quốc tế uy tín và hơn hết là sự tăng trưởng ngoạn mục về số lượng du khách ghé thăm, doanh thu du lịch và hệ thống hạ tầng lưu trú của thành phố.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước. 

Dẫu vậy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có với những thiệt hại nặng nề, hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại gần như tê liệt.

“Đại dịch Covid-19 như một khoảng lặng lớn để thành phố Đà Nẵng nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong công tác phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng, đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, ông Minh phát biểu.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022, với định hướng “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố đã liên tục ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch khôi phục hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới.

Điển hình như đưa vào hoạt động Công viên APEC mở rộng, tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, bãi biển đêm Mỹ An, phố du lịch An Thượng, các doanh nghiệp đã nâng cấp, đầu tư thêm các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội mới tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa Đà Nẵng cũng tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa du lịch đặc sắc.

Nổi bật là Lễ hội tận hưởng mùa Hè Đà Nẵng 2022 diễn ra từ 11/06-15/08 với nhiều sự kiện quy mô lớn như các đại nhạc hội, carnival đường phố, lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế EDM, không gian ẩm thực truyền thống và bia quốc tế…

Nhờ đó, lĩnh vực du lịch lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và bứt phá kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng ước tăng 41% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Thống kê từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 06/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Và ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra.

Đại diện cho doanh nghiệp du lịch hàng đầu tại Đà Nẵng là Sun Group, bà Trần Nguyện-Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cũng đã chia sẻ nhiều tâm huyết và định hướng sản phẩm mới mà Sun Group sẽ đem đến cho Đà Nẵng thời gian tới, để thành phố “đã đẹp sẽ còn đẹp hơn, đã đáng đến sẽ còn đáng đến hơn nữa, nhiều trải nghiệm độc đáo hơn nữa”. 

Theo đó, không chỉ mang tới một mùa hè 2022 sôi động cho Đà Nẵng với nhiều sự kiện và lễ hội đẳng cấp trong chuỗi lễ hội Take me to the Sun, tới cuối năm 2022, Sun Group sẽ ra mắt 3 show diễn mới là show Núi lửa, show Bông hồng vàng và show Piano bay tại Sun World Ba Na Hills. Năm 2023, công trình Hầm rượu Bà Nà cũng được hoàn thành. Đây là công trình có kiến trúc đặc biệt ấn tượng, và là nơi du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất rượu vang chuẩn Pháp cũng như thưởng thức những loại vang được làm ngay tại Bà Nà.

Để trở thành thành phố đáng sống, Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu

Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng sống là chủ đề phiên thảo luận thứ hai của Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 27/06.

Những vấn đề được đặt ra trong phiên này là cơ chế, chính sách để Đà Nẵng khai thác tối ưu lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, không gian phát triển, từ đó vượt lên danh xưng là thành phố đáng sống, trở thành nơi “đại bàng” làm tổ, nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Không gian phát triển đô thị Đà Nẵng trong tầm nhìn phát triển chuỗi đô thị thông minh, kết nối đô thị Việt Nam và quốc tế 2030-2045 cũng là vấn đề được bàn thảo tại đây.

Tham gia thảo luận trong phiên này, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, khi nói đến Đà Nẵng cần nói đến quy hoạch trước một bước.

Cũng như nhiều ý kiến trước đó, ông Chính nhấn mạnh, Đà Nẵng không chỉ đẹp, có biển, mà về phong thủy còn tựa vào dãy Trường Sơn nhìn ra biển. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn được nói đến nhiều bởi vẻ đẹp sông Hàn, bởi những cây cầu, những festival,… Nhưng, theo ông Chính, ở đây cần đánh giá vai trò của người dân và lãnh đạo thành phố hết sức sáng tạo và mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nếu để trở thành thành phố đáng sống thì KTS Trần Ngọc Chính cho rằng trước hết Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Hiện danh sách 10 thành phố đáng sống của thế giới chưa có tên Đà Nẵng, thành phố này mới chỉ có biển lọt vào top biển đẹp toàn cầu, ông Chính nói. 

Theo vị kiến trúc sư này thì cần xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đáng sống không chỉ cho người Việt Nam mà cả doanh nhân, tỷ phú thế giới, có biệt thự để người ta mang du thuyền sang đây sống. Và muốn thế, theo ông Chính cần hoàn thiện quy hoạch đô thị Đà Nẵng hoàn chỉnh, không chỉ là thành phố du lịch mà còn là thành phố đô thị loại 1 của miền Trung và Tây Nguyên, có vai trò vực dậy kinh tế miền Trung và mang tầm thế giới.

Vấn đề nữa, theo ông Chính, Đà Nẵng cần có bản sắc của đô thị biển. Đà Nẵng có núi, sông, rừng xen kẽ tạo thành bức tranh thủy mặc tuyệt tác nhưng đã phù hợp với đô thị toàn cầu chưa, là vấn đề cần phải bàn.

Cũng theo ông Chính, cách đây 10 năm ông đã đề cập một số nội dung để phát triển thành phố, nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa làm được.

Nhắc lại khuyến nghị của chuyên gia Lương Hoài Nam về mở rộng sân bay Đà Nẵng, ông Chính cũng cho rằng sân bay Đà Nẵng không thể đáp ứng yêu cầu của giới tỷ phú và người dân thế giới. Cần đưa nhà ga T2, T3 sang phía đông, có đường hầm ra sân bay, biến sân bay Đà Nẵng thành điểm đến của thế giới, nhưng hiện nay chưa có dự án nào để nâng cấp sân bay này, ông Chính nhấn mạnh.

Ông Chính cũng lưu ý nhu cầu của giới thượng lưu là phải có du thuyền, mà Đà Nẵng có rất nhiều cơ sở có thể phục vụ. Cảng Tiên Sa ngoài phục vụ tàu du lịch 5.000 khách có thể phục vụ du thuyền, từ đó đi sâu vào trong sông Hàn.

Ngoài ra, theo ông Chính quan trọng hơn là hệ thống giao thông tốt, giao thông hiện nay có vẻ trơn tru nhưng chưa có phương án giao thông hiện đại, tốc độ nhanh, kết nối các thành phố như metro. Trong khi Đà Nẵng còn có miền Trung, Hội An, cần kết nối.

Để Đà Nẵng thành thành phố đáng sống, KTS Trần Ngọc Chính còn cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ để khai thác tài sản thiên nhiên vô giá là Sơn Trà, để du khách có thể biết đến 1 Đà Nẵng từ trên cao.

Ngoài ra, Đà Nẵng cần có một công viên thuỷ cung mang tính quốc tế, phải điều chỉnh lại kiến trúc ven sông Hàn, phải có nhiều hơn cây xanh và công viên, theo ông Chính.

Phó chủ tịch Thường trực UBNĐ TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng: "Với địa hình vừa có núi, có sông, có biển, Đà Nẵng không chỉ sở hữu tiềm năng to lớn về du lịch mà còn hội tụ nhiều lợi thế để phát triển các khu đô thị kiểu mẫu, tiện ích cảnh quan đặc sắc. Đây cũng là yếu tố để tạo sức bật mới cho hạ tầng đô thị, phát huy lợi thế thành phố bên sông. Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành thành phố đáng sống của khu vực và thế giới, và điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm. Có thể nói đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà thành phố cần tập trung giải quyết trong thời gian tới".

Khánh Yên