Nhiều thách thức để phát triển vật liệu xây dựngxanh

Phát biểu mở đầu Hội thảo chiều 14/5, ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Hiện tượng nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, có sự thay đổi lớn trong các loại hình nhà ở tại đô thị đang được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, nhu cầu đầu tư xây dựng ngày càng tăng về số lượng và quy mô dự án. Đồng hành với sự phát triển đó thì nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành tạo hành lang pháp lý cho vật liệu xây dựng xanh phát triển áp dụng vào các công trình.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế trong việc phát triển các VLXD xanh cũng như công trình xanh trong các giai đoạn vừa qua. Chưa có các hướng dẫn cụ thể của các cơ quan thẩm quyền từ trình tự đến thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm về VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, chưa có các quy định bắt buộc về đánh giá, chứng nhận nhãn sản phẩm VLXD tiết kiệm năng lượng đối với các thiết bị sử dụng năng lượng.

Trình độ công nghệ, nhân lực, quản lý, thiết bị, kỹ thuật xây dựng, điều kiện tiện nghi các công trình ở Việt Nam nhìn chung, đặc biệt là khu vực miền Trung còn rất nhiều hạn chế. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành để đạt tiêu chí net zero. Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam để đạt mục tiêu cam kết vào năm 2050. 

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng.

Phát triển VLXD TP. Đà Nẵngphải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, ngày 2/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, với quan điểm phát triển: Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống; duy trì đa dạng sinh học, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên; đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất hợp lý, tận dụng tối đa ưu điểm, lợi thế của từng vùng; ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải các bon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP 26.

Về mục tiêu phát triển: Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã chủ trì tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1790/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, định hướng phát triển ngành VLXD tại TP. Đà Nẵng tập trung vào các nhóm vấn đề là phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội của thành phố, tạo nền tảng để xây dựng các chương trình hành động, đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực phát triển VLXD, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước theo đúng các quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định về quản lý VLXD và Chiến lược phát triển VLXD.

Việc phát triển VLXD TP. Đà Nẵng phải phù hợp với Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam; Quy hoạch TP. Đà Nẵng trong thời gian tới. Định hướng phát triển VLXD TP. Đà Nẵng phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội; phát triển sản xuất với quy mô hợp lý, lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; phát triển chuỗi cung ứng VLXD từ các tỉnh, thành lân cận; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng VLXD; phát triển cơ khí chế tạo cho công nghiệp VLXD trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận.

Đề ra nhiều giải pháp đểphát triển vật liệu xanh

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Cửu Loan – Phó Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng Miền Trung - Tây Nguyên cho biết, Hội thảo đã lắng nghe được 10 bài tham luận với 3 nhóm vấn đề chính về  nghiên cứu phát triển vật liệu tái chế theo hướng tuần hoàn kép; sử dụng vật liệu xanh cho việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, nghiên cứu hệ thống khuôn thế hệ mới được làm bằng bê tông với cường độ siêu cao; Thu giữ, cô lập và sử dụng carbon trong bê tông cốt liệu tái chế nhằm giảm thiểu phát thải carbon trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng và nhận thức vai trò của kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế công trình.

Nhà báo Nguyễn Cửu Loan – Phó Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng Miền Trung - Tây Nguyên
Nhà báo Nguyễn Cửu Loan – Phó Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng Miền Trung - Tây Nguyên

Thứ hai là những đề xuất, ban hành chính sách hỗ trợ về các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản xuất, sử dụng VLXD không nung… công tác tuyên truyền về vật liệu xây dựng xanh, trong đó có những vấn đề được chuyên gia thảo luận, phân tích khá sôi nổi, thẳng thắng, đánh giá thực chất hiện trạng, nhận diện được các khó khăn, tồn tại hiện nay. Đồng thời cũng chỉ ra được nhiều cơ hội, các thách thức mà ngành sản xuất VLXD đón nhận và đối diện. Nhiều nội dung tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, có ý nghĩa vận dụng, áp dụng cho hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động đầu tư, cơ chế chính sách, nguồn lực thực hiện… rất cần được tiếp thu, nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn.

Thanh Hải