Bắt đầu từ ngày 5/9, thành phố Đà Nẵng áp dụng giấy đi đường QRCode.
Bắt đầu từ ngày 5/9, thành phố Đà Nẵng áp dụng giấy đi đường QRCode

Đây là những ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 diễn ra chiều 6/9.

Lãnh đạo Thành ủy cho rằng việc cấp giấy đi đường QRCode được dư luận và doanh nghiệp đánh giá cao khi hạn chế được những vấn đề mà trước đây mắc phải. Tuy nhiên, qua trao đổi cho thấy, vẫn còn có một số hạn chế, trong đó lớn nhất là những khó khăn, bức xúc của người dân trong việc cấp giấy nên các đơn vị, địa phương phải lưu ý hoàn thiện, giải quyết các vướng mắc theo phản ánh của các địa phương, đơn vị, cá nhân.

Giấy đi đường QRCode.
Giấy đi đường QRCode..

Theo đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã phải có trách nhiệm trong việc cấp và giám sát đề nghị cấp giấy của doanh nghiệp, tránh tình trạng không quản được việc cấp giấy. Tính đến ngày 6/9 gần 120.000 giấy đi đường được cấp, trong khi nhu cầu đăng ký chưa được giải quyết vẫn còn rất lớn.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các phần mềm và kiến nghị hợp lý của các tổ chức, cá nhân trong việc cấp giấy đi đường.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đặc biệt lưu ý vấn đề quản lý F0 trong các khu cách ly, khu phong tỏa để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm. Đây là vấn đề mà ngành y tế, các quận, huyện cần quan tâm, hạn chế bố trí các F1 cũ và mới trong 1 khu vực hoặc gần nhau, cần tách nhỏ ra để giám sát.

“Sắp tới, thành phố triển khai lấy mẫu xét nghiệm đợt mới. Ngành y tế và các địa phương cần quan tâm đợt xét nghiệm lần này, hạn chế thấp nhất việc tập trung đông người. Đặc biệt, phải test nhanh các cán bộ tham gia công tác xét nghiệm từ vùng xanh đi sang các vùng khác để thực hiện nhiệm vụ. Không bắt buộc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm mà bỏ qua một số công đoạn bảo đảm an toàn. Thời điểm này chúng ta phải hết sức thận trọng”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh lưu ý.

Liên quan đến công tác hỗ trợ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, các địa phương đã nỗ lực, khẩn trương triển khai để mọi hộ dân đều được hưởng các chế độ chính sách. Tuy nhiên, việc triển khai không bao quát hết những khía cạnh cuộc sống, chắc chắn còn nhiều người khó khăn nên đề nghị các phường, xã sâu sát cơ sở để lắng nghe.

Sau 20 ngày thực hiện
Sau 20 ngày thực hiện "ai ở đâu thì ở đó", sáng 5/9, lượng người ra đường đi làm, thông qua giấy đi đường QRCode tại thành phố Đà Nẵng đã tăng lên.

"Có những trường hợp khó khăn có thể đã nhận chế độ rồi nhưng tiếp tục khó khăn thì xử lý nguồn tại chỗ, nếu không có thì báo cáo lên để thành phố giải quyết. Lúc này, chúng ta phải hiểu nhân dân đang gặp khó khăn, không được đi lại, nên càng phải làm tốt công tác an dân”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh kết luận.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn sắp tới; đi kèm với đó là kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tế.

 

Còn hơn 300.000 người có nhu cầu cấp giấy

Tai cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã phải có trách nhiệm trong việc cấp giấy và giám sát đề nghị cấp giấy đi đường QRCode của doanh nghiệp, tránh tình trạng không “quản“ được từ việc cấp giấy.

Ông Quảng cho hay, tính đến (6/9) đã có gần 120.000 giấy đi đường được cấp. “Trong khi đó tôi biết về mặt nhu cầu của người dân hiện còn có hơn 300.000 người dân có nhu cầu… Với số lượng cấp giấy ngày tăng lên, rất lớn, đề nghị người đứng đầu các sở ngành, quận huyện, phường, xã phải chịu trách nhiệm về việc cấp giấy”, ông Quảng nói thêm.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh các phường, xã phải chịu trách nhiệm kiểm tra giấy đi đường ngay từ khu dân cư. Theo đó, cần phải siết chặt việc kiểm tra, phải làm ngay từ khi người dân đi ra khỏi khu dân cư. “Phải kiểm tra ở chốt và tuần tra trong các khu vực dân cư, nhất là các nhà ở khu vực mặt tiền sẽ không qua chốt nên phải kiểm tra, tuần tra trên đường kèm việc xử lý vi phạm và công bố việc xử lý”, ông Quảng chỉ đạo và yêu cầu Công an TP phải làm quyết liệt việc này.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong lần nới lỏng để sống chung với dịch lần này, TP không tổ chức chặn ở các chốt cho nên phải làm nghiêm khâu tuần tra, xử lý trên đường. Kết quả xử lý cần công khai trên báo, kể cả những vi phạm của cá nhân, tổ chức…

“Thậm chí cho dừng hoạt động các cơ quan, tổ chức vi phạm”, ông Nguyễn Văn Quảng nói thêm về mức độ xử lý để góp phần chấn chỉnh, trong giai đoạn TP sống chung với dịch Covid-19.

Hoàng Gia Bảo