Phối cảnh ga Đà Nẵng mới.Phối cảnh ga Đà Nẵng mới.

UBND TP. Đà Nẵng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, với quỹ đất hoàn trả cho dự án được dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch của thành phố.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng giao cho địa phương là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để chủ động triển khai công tác chuẩn bị dự án, tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và Tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng PPP.

Trong giai đoạn trước mắt, UBND TP. Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ, ngành Trung ương liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư; báo cáo đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định.

Vào cuối năm 2017, Bộ Giao thông vận tải từng kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Do Dự án có tổng mức đầu tư lớn (5.764 tỷ đồng), việc thu xếp tài chính để đầu tư xây dựng toàn bộ là khó khả thi, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn.

Ga Đà Nẵng cũGa Đà Nẵng cũ

Trong đó, giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 18,26 km; xây dựng ga Đà Nẵng mới với chức năng như ga Đà Nẵng hiện tại; nâng cấp ga Lệ Trạch để đảm nhận khối lượng xếp dỡ của ga Đà Nẵng hiện tại; xây dựng mới 2 cầu đường sắt; 1 cầu đường bộ vượt đường sắt; 4 đường ngang; xây dựng khu đầu máy toa xe tại khu ga mới và hệ thống thông tin tín hiệu đảm bảo phục vụ chạy tàu với tổng mức đầu tư khoảng 3.393 tỷ đồng (khoảng 149,622 triệu USD).

Giai đoạn 2, dự án sẽ xây dựng mới ga hàng hóa Kim Liên; xây dựng cầu vượt tại 4 đường ngang đường sắt; đầu tư đồng bộ hệ thống thông tin tín hiệu với dự án Vinh - Nha Trang với tổng mức đầu tư khoảng 2.371 tỷ đồng (tương đương 102,527 triệu USD).

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị hình thức và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 cho Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng là đầu tư công kết hợp doanh nghiệp tự đầu tư. Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng góp vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khoảng 1.192 tỷ đồng tỷ đồng (đã bao gồm chi phi dự phòng) thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ khu vực nhà ga cũ (đấu giá đất theo quy định pháp luật). Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư 86 tỷ đồng (để nâng cấp ga Lệ Trạch) thông qua hình thức Hợp tác kinh doanh; Ngân sách Trung ương óp 2.115 tỷ đồng (chiếm 62,3% tổng mức đầu tư giai đoạn 1).

 

Về hướng tuyến ga đường sắt mới được dự kiến về phía Bắc thành phố là nối với hướng tuyến đường sắt qua hầm mới Hải Vân, về phía Tây và điểm chập với tuyến cũ ở phía Nam tại khu vực cầu Đỏ. Ông Đặng Đức Cường – Chủ nhiệm Dự án Phát triển Bền vững TP. Đà Nẵng cho biết, một khi dự án di dời ga đường sắt mới được hoàn thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực phía Tây Đà Nẵng nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung. Không chỉ dừng lại ở đó, việc xây dựng ga đường sắt mới cũng giúp giải quyết vấn đề giao thông của cảng Liên Chiểu và khu vực ven biển Sơn Trà.

Phạm vi triển khai dự án di dời ga đường sắt mới gồm hai phần: Di dời ga đường sắt mới và tái thiết ga đường sắt cũ. Việc xây dựng ga đường sắt mới được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một bao gồm các hạng mục sau: Cải tạo 7 km đường sắt cũ, xây mới 18,21 km tuyến đường sắt tránh qua trung tâm, nâng cấp ga hàng Lệ Trạch với diện tích 9,6ha, xây dựng nhà ga khách mới với diện tích 43,1ha và xây dựng ga hàng hóa Kim Liên mới với diện tích 80,1ha.

Hoàng Gia