Theo đó, chương trình tọa đàm gồm các nội dung như: Phản ánh công tác triển khai năm học mới 2021-2022 tại các trường học, địa phương trên địa bàn thành phố; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và phụ phụ huynh, học sinh thành phố; trao đổi cùng lãnh đạo ngành giáo dục thành phố về công tác chuẩn bị cho năm học mới; truyền tải thông điệp của lãnh đạo thành phố gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh.
Chương trình được phát sóng từ 7 giờ đến 7 giờ 30 ngày 5/9 trên kênh DanangTV1 và DanangTV2 (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng), phát lại cùng ngày từ 14 giờ 30 đến 15 giờ trên kênh DanangTV1 và từ 15 giờ đến 15 giờ 30 trên kênh DanangTV2.
Sau chương trình tọa đàm sáng 5/9, tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức qua internet, tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông, thông tin để truyền tải đến tất cả học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai giảng năm học mới.
Đồng thời, giới thiệu tổng quan về nhà trường, thông điệp của nhà trường gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh, học viên; giới thiệu danh sách lớp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của từng lớp; hướng dẫn tổ chức hoạt động chuyên môn đầu năm học theo các văn bản chỉ đạo về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống Covid-19 ở nhà cũng như khi được trở lại trường học tập và các hoạt động khác theo kế hoạch của nhà trường.
Chưa có trong tiền lệ, mùa khai trường 2 năm qua thành phố Đà Nẵng bị dịch Covid-19 hoành hành, chính quyền sở tại phải thực hiện giãm cách xã hội “Ai ở đâu thì ở đó” kéo dài 3 đợt nghiêm ngặt làm ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt…Trong đó, có ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố.
Qua ghi nhận của phóng viên Thương hiệu & Công luận: Sáng nay, tuy một số vùng trên địa bàn thành phố được nới lỏng, tuy nhiên, người dân hầu như ít ra đường, các phương tiện như: Xe mô tô, ô tô cũng vậy, rất thưa thớt, chỉ xe công vụ, cứu thương và xe vận chuyển hàng thiết yếu” luồng xanh” hoạt động. Các trường học tại quận Hải Châu, Thanh Khê… chính quyền địa phương trưng dụng để dùng giãn dân, các trường khác đều đóng cửa.
Trao đổi với phóng viên chị Nguyễn Kim Quý, trú tại tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu chia sẻ: “Năm nay em có một cháu trai vào lớp 1, lần đầu tiên trong đời vào trường học, nhưng lại không được đến trường để gặp thầy, cô giáo và bạn bè cùng lớp, không biết đến lúc nào cháu mới được đến trường, dịch quái ác quá!”. Tương tự anh Thái Mão ở cùng tổ 35, có cháu trai vào lớp 6, trường THCS Đàm Quang Trung. Đây là năm đầu tiên vợ chồng anh và gia đình chuyển về nơi ở mới (khu đô thị sinh thái Golden Hills) anh tâm sự: “ Nhà ở ngay trường, nhìn thấy trường đó, mà cứ đóng cửa im lìm, tôi rất lo vì cháu mới về trường mới, chưa biết thầy, cô giáo chủ nhiệm là ai? Bạn bè đều mới, lạ cả…Hy vọng, chính quyền thành phố đã kiểm soát được dịch và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thì sớm muộn các cháu cũng được đến trường để học”anh Thái Mão chia sẻ.
Phóng viên liên hệ qua điện thoại được với chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, trú tại tổ 19, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, chị cho biết: “Chị có chồng nằm trong tổ hỗ trợ Covid-19, xét nghiệm F0, chị và hai cháu trở thành F1, phải đi cách ly tại trường tiểu học An Khê, cháu đầu năm nay đậu vào lớp 10 trường THPT Thái Phiên, cháu thứ 2 vào lớp 4, khi đi cách ly chị có mang theo Laptop để cho hai cháu học trực tuyến theo chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Tuy ở khu cách ly, nhưng ba mẹ con chị được bố trí một phòng học, rộng rãi, thoải mái, điện, nước, Internets, ăn uống đầy đủ, nên rất yên tâm”.
Trao đổi với cô Nguyễn Thị Hữu Chi- Hiệu trưởng, trường tiểu học Trưng Nữ Vương, quận Liên Chiểu cô chia sẻ: “Năm nay, các em học sinh chào đón ngày khai giảng trong chuỗi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo kế hoạch năm học. Thêm một mùa khai giảng không có sự ồn ào của học sinh, không có tiếng trống trường. Nhớ lắm! những tiếng cười lẫn tiếng khóc của những em học sinh trong ngày đầu tiên đi học. Nhớ ánh mắt ngây thơ, nhớ bàn tay bé bé vẫy chào chúng tôi sao mà thân thương đến vậy….”.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, trước thềm năm học mới thành phố Đà Nẵng hiện có 2.447 học sinh (HS) Đà Nẵng đang kẹt lại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong số này, nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam với 410 HS, Quảng Ngãi 33 HS, Quảng Trị 32 HS, Thừa Thiên Huế 32 HS... Còn lại là các tỉnh thành như: Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai... thậm chí xa hơn là cả ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bình Phước, Đồng Nai.
Theo kết nối và khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng thì trong số này có 692 học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố cho các em theo học cùng, tùy thuộc vào điều kiện của từng tỉnh, thành. “Các địa phương nơi các em ở lại đều đã tạo điều kiện để các em học sinh được tham gia học tại chỗ, không ảnh hưởng đến chương trình học”, bà Thuận thông tin.
Bà Thuận cũng cho biết thêm, ngay khi các học sinh này có điều kiện quay trở lại thành phố thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ kết nối để các em được tham gia cách ly, tùy vào địa điểm các em trở về, đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19 của địa phương.
Số học sinh ở ngoại tỉnh có điều kiện tham gia học trực tuyến vẫn kết nối với lớp và học bình thường.
Hiện thành phố Đà Nẵng cũng có 31 học sinh ngoại tỉnh đang kẹt lại địa phương. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã kết nối và tạo mọi điều kiện để số học sinh này có thể tham gia học trực tuyến và trực tiếp nếu lịch học thay đổi.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, đối với 2 tuần đầu sau khai giảng và học trực tuyến, học sinh chủ yếu được ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Riêng đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung, học sinh đang ở ngoại tỉnh…), các trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình, trong điều kiện cho phép.
Qua khảo sát của giáo viên và ngành giáo dục thành phố, Đà Nẵng vẫn có 6% học sinh tiểu học và một số ít học sinh trung học không có điều kiện học trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo điều kiện để các em được bổ sung kiến thức khi việc học trực tiếp bắt đầu.
“Trước mắt, đối với những học sinh tại thành phố Đà Nẵng không có điều kiện học trực tuyến và đang ở những vùng xanh thì giáo viên sẽ in và gửi bài để phụ huynh giúp đỡ con em học tập. Ngành giáo dục sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá để có hình thức hỗ trợ kịp thời khi các học sinh đi học lại để học sinh theo kịp chương trình”, bà Thuận nói.
Với sự quyết liệt và cả hệ thống chính trị thành phố Đà Nẵng vào cuộc một cách đồng bộ. Hy vọng trong thời gian tới sẽ bóc tách F0 ra hết khỏi cộng đồng, các em học sinh, sinh viên sẽ trở lại trường trong trạng thái bình thường.
Hoàng Hữu Quyết