Theo đó, việc tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là cung cấp thông tin trong những tình huống bất thường, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng thông tin, dự báo và xử lý kịp thời khủng hoảng truyền thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Đà Nẵng cho biết, TP. Đà Nẵng là một trong những trung tâm báo chí lớn của cả nước với khoảng 120 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú với gần 800 phóng viên đang hoạt động báo chí, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động các chủ trương, chính sách, thành tựu của TP. Đà Nẵng.
Bên cạnh báo chí trong nước, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thường xuyên đưa thông tin về TP. Đà Nẵng. Vì vậy, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cần được các cấp chính quyền TP. Đà Nẵng quan tâm, thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp, có chiến lược linh hoạt để phù hợp với xu thế truyền thông hiện nay.
“Làm tốt công tác này sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan báo chí. Qua đó, báo chí sẽ trở thành phương tiện hữu hiệu trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh TP. biển Đà Nẵng đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, là kênh thông tin đa chiều, phản ánh thực trạng, những điều tiêu cực trong các lĩnh vực để lãnh đạo TP. Đà Nẵng đối chiếu và kịp thời xử lý”, bà Phương cho hay.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã phổ biến các văn bản quy phạm, pháp luật liên quan đến Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cung cấp một số kỹ năng về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý thông tin báo chí. Đồng thời, giải đáp các câu hỏi của các đại biểu xoay quanh về các vấn đề nêu trên.
Hoàng Nguyên