Cụ thể, theo thống kê từ các quận: Quận Thanh Khê có 13 điểm ngập, quận Liên Chiểu có 46 điểm, quận Cẩm Lệ 14 điểm, quận Sơn Trà 21 điểm, quận Hải Châu 29 điểm...
Để bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân tại các khu vực thấp trũng, quận Liên Chiểu đã triển khai sơ tán 274 người dân, trong đó có 250 người sơ tán tại chỗ (sang những nhà cao hơn); 24 người sơ tán tập trung, gồm: 20 người sơ tán đến Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, 4 người sơ tán đến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Quận Thanh Khê sơ tán 35 người ở khu vực Khe Cạn (tổ 26 và 27, phường Thanh Khê Tây).
Huyện Hòa Vang sơ tán 13 hộ dân (50 người), trong đó, UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) sơ tán 21 người ở khu vực Núi Sọ, thôn An Ngãi Tây 1; UBND xã Hòa Bắc di dời 29 người ở thôn Tà Lang đến nơi trú ẩn an toàn.
Tối 13/10, khu vực đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, nơi được xem là rốn lũ của TP. Đà Nẵng, mênh mông nước, có chỗ sâu hơn 1,5 m.
Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu, bộ đội đặc công Quân khu 5 và cảnh sát cơ động Công an TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Theo trung tá Lê Thanh Sơn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu, đơn vị đang duy trì 30 chiến sỹ tại điểm ngập lũ này, sẵn sàng cứu nạn người dân xuyên đêm.
Lý giải nguyên nhân các kiệt hẻm ở Mẹ Suốt thường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam chia sẻ, do khu vực này trũng, tiếp giáp với dải đồi núi phía tây thành phố, nước mưa cuốn theo bùn non từ đồi núi đổ về. "Chừng nào khu vực đô thị thoát hết nước mới mong đường Mẹ Suốt hết ngập", ông nói.
Thiếu tá Phạm Đức, Đại đội trưởng Đại đội 2 (Cảnh sát cơ động TP. Đà Nẵng) cho biết, đã huy động 10 cán bộ, chiến sỹ đến các vị trí ngập sâu nhất ở đường Mẹ Suốt. Sống tại khu vực này, anh Đức nắm rõ từng nhà thấp trũng, tạm bợ, có người già khó di chuyển để hỗ trợ.
"Có nhà khi chúng tôi vào cứu hộ, nước sâu hơn 1,5 m", anh Đức nói. Mực nước hiện tại bằng nửa trận ngập lụt tròn một năm trước.
Theo Chủ tịch phường Hòa Khánh Nam, việc di dời dân bắt đầu từ 15h, đến 20h thì hoàn tất, khoảng 5.000 người đã đến được nơi an toàn. Bà con được bố trí ở tạm những nhà dân cao ráo hơn chờ nước rút. Nếu thời tiết diễn biến xấu hơn, họ sẽ được sơ tán đến trường học, công trình công cộng. Chính quyền sẽ hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho dân.
Nhiều khu vực ở quận Liên Chiểu đã bị cúp điện. Tại nhiều khu vực khác, người dân cũng chủ động di dời đồ đạc, hoặc tạm chuyển về những khu vực ít ngập lụt hơn.
Trên đường Tôn Đức Thắng giao Yên Thế, nhiều xe khách bị chết máy phải bỏ lại giữa đường.
Trên đường này có đến 7 ôtô bị chết máy, ngâm trong nước lũ, trong đó có một xe con, một xe khách và 5 xe tải.
Quốc lộ 1A đi qua quận Liên Chiểu bị ngập gần một mét, cảnh sát giao thông phân luồng trên cầu vượt ngã ba Huế, không cho phương tiện đi vào.
Nhiều chủ xe phải gọi cứu hộ ngay trong đêm để đưa ôtô thoát khỏi điểm ngập dưới chân cầu vượt ngã ba Huế. Nhiều người đã sớm chạy ôtô lên đỗ tạm trên tầng 2 của cầu vượt. Từ 22h đến sáng nay, toàn TP. Đà Nẵng vẫn mưa lớn từng đợt, nhiều khu vực tiếp tục bị ngập.
Thống kê của cơ quan khí tượng, từ 7h đến 20h hôm nay các địa phương từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng mưa rất to, có nơi trên 300 mm như: Lộc Vĩnh (Thừa Thiên Huế) 380 mm, Sơn Trà (Đà Nẵng) 330 mm, Phú Lộc (Quảng Nam) 310 mm.
Dự báo từ đêm nay đến ngày 15/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục mưa 200-300 mm, có nơi trên 500 mm. Riêng Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-450 mm, có nơi trên 800 mm.
Hữu Hoàng