Vấn nạn trâu, bò thả rong gây tai nạn
Nhiều đại biểu nêu ý kiến tình trạng trâu, bò thả rong đã diễn ra trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.
Nhiều năm qua, người dân tổ dân phố 34 và 35… thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng kêu trời, khổ sở… và phản ứng về việc trâu, bò thả rong. Đặc biệt, tại khu đô thị sinh thái Golden Hills (thuộc tổ 35) gần 10 năm nay vấn nạn trâu, bò thả rong thì không kể xiết.
Đơn cử, tối 3/8/2024, trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài (đoạn ngang qua Khu đô thị sinh thái Golden Hills, thuộc tổ dân phố 35), trong lúc lưu thông, 2 xe máy đã tông vào đàn bò bất ngờ băng nhanh qua đường khiến một người gãy chân và hai người khác bị thương.
Tối 29/10/2023, tại ngã tư cây xăng Gia Tâm Nguyễn (khu đô thị sinh thái Golden Hills), một vụ tại nạn xảy ra nghiêm trọng, một nam thanh niên đi làm về điều khiển xe mô tô tông phải bò, nạn nhân bất tỉnh, phải chở đi cấp cứu tại bệnh viện, xe bị hư hỏng nặng, bò chết tại chỗ. Một điều đáng nói, tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành nối dài thuộc khu đô thị sinh thái Golden Hills thời gian gần đây các trụ điện đường thường không đỏ (do tiết kiệm điện), thời tiết mưa lớn, trâu, bò thì thả rong, mỗi đoàn trâu, bò khoảng trên dưới cả trăm con cứ đi lông nhông trên các con đường, vào các vườn trồng rau, cây cảnh của người dân tại khu vực này để phá phách.
Anh Trung một người dân thuộc tổ 35 bức xúc cho biết: “Những vụ tai nạn này đã được dự báo từ trước và sự thiếu trách nhiệm của các cấp đã không giải quyết dứt điểm. Chúng ta đang sống trong sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương khi tình trạng này kéo dài”.
Chị Nguyễn Thị L, một khách qua đường dừng lại nói: “Sao mà tội nghiệp như thế này trời? Ai biết thân nhân người bị nạn ở đâu báo ngay cho gia đình? Chị rơm rớm nước mắt, thấy vết thương và máu chảy quá nhiều…”. Nhiều người dân hiếu kỳ tại đây kéo ra xem và sơ cứu cho nạn nhân, nhưng vô vọng…
Anh Nguyễn Văn H cho biết: “Vợ chồng em năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về là tụi em tích cóp và vay mượn anh em trong gia đình để có vốn mua hoa cúc và các loại… về bán kiếm lời để sắm sửa đồ trong gia đình và ăn Tết. Năm vừa qua, buổi chiều vừa tập kết hoa về góc ngã tư Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Lương Bằng, tối lại thì bán đêm quá mệt. Vậy là ngủ say, sáng sớm thức dậy, nhìn khu hoa của mình sao chỉ còn lá không, không còn một bông hoa nào cả, vợ em xỉu ngay tại chỗ, còn em thì choáng váng luôn…”.
Cách đây 1 năm, một nam công nhân đi làm ca đêm về cũng trên đoạn đường, anh đang đi bình thường, bỗng nhiên một con bò từ trên vỉa hè, nhảy ra ủi thẳng vào xe làm anh té ngã bị thương nặng, rất may lúc này còn sớm nhiều xe ô tô tham gia giao thông trên đường hỗ trợ kịp thời đuổi bò chạy…
Một điều chúng tôi nhận thấy, rất phản cảm trong vài tháng trở lại đây, trâu, bò thả rong không có người chăm dắt tại phường Hòa Hiệp Nam mỗi ngày càng nhiều, chỉ cần buổi sáng đi làm qua cầu Gia Tròn, trước mắt UBND phường Hòa Hiệp Nam, cổng trường THCS Đàm Quang Trung… và trước nhà dân thì sẽ thấy trâu, bò phóng uế bừa bãi, mùi hôi nồng nặc, vô cùng phản cảm…
Mặc dù, trước đó lực lượng chức năng UBND phường Hòa Hiệp Nam đã có kế hoạch dài hơi, tuyên truyền, vận động người dân, thường xuyên ra quân bắt giữ bò và phạt hành chính, nhưng số tiền phạt không đủ sức răn đe người chăn nuôi nên tình trạng này vẫn không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng hơn.
Tại hội nghị, ông Mai Tấn Tuân, Tổ phó Tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Hòa Hiệp Nam cho hay, mặc dù lực lượng chức năng phường đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Mức phạt hành chính theo quy định chỉ 400.000 đồng/trường hợp, không đủ sức để răn đe. Chưa kể, đối với trâu, bò bị bắt nhốt, mức tiền công nhờ nuôi hộ ở xã Hòa Ninh là 200.000 đồng/con.
Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đồng tình với ý kiến của ông Tấn Tuân và cho rằng, ngoài áp dụng mức xử phạt theo điểm b, khoản 1, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, địa phương cần đề ra những giải pháp song song, như đối với trường hợp trâu, bò bắt giữ quá thời gian quy định nhưng chủ hộ không đến nhận sẽ được quyên góp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất áp dụng biện pháp đánh số cho trâu, bò tại những “điểm nóng” để quản lý chặt chẽ hơn.
Một số đại biểu cho rằng, đề xuất UBND phường nhanh chóng triển khai chính sách vận động người dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi và hỗ trợ kinh phí chuyển đổi ngành nghề, đồng thời giao cho các hội, đoàn thể, tổ dân phố quản lý hộ chăn nuôi trong khu vực. Ngoài ra, địa phương cần có chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, quyết liệt hơn và dài hơi, thậm chí trực tiếp đến gặp từng hộ chăn nuôi để bảo đảm rằng họ hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Vì sao trâu, bò thả rong tập trung ở Khu đô thị sinh thái Golden Hills?
Sáng nay ngày 13/9, trên đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) đoạn Cầu Gia Tròn, Khu đô thị sinh thái Golden Hills, thuộc địa phận UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, phóng viên phải dừng lại hơn 15 phút, để “dành đường” cho đàn trâu trên 60 con băng qua đường, nhiều người tham gia giao thông phải dừng, có người sợ quá quay xe trở lại đi đường khác, và nhiều người vì công việc gấp nên liều chạy qua, khi đàn trâu băng qua đường, nhìn cảnh này thật quá nguy hiểm đối với tính mạng người tham gia giao thông. Một người đi xe mô tô đứng cạnh tôi, phía sau chở con nhỏ đi học nói với giọng ngao ngán: “Đà Nẵng thành phố đáng sống, mà còn thấy cảnh này là sao nhỉ ? Chính quyền nghĩ gì về cảnh quan đô thị và môi trường…”.
Địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng giáp ranh với tổ dân phố 34 và tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Qua tìm hiểu của Phóng viên Thương hiệu & Công Luận được biết, toàn xã Hòa Liên có 53 hộ chăn nuôi trâu, bò thả rong, với 370 con trâu lẫn bò, bà con nơi đây đã quen tập quán nuôi thả rong từ lâu đời, trước lúc khu vực xã giải tỏa mặt bằng làm khu đô thị mới, từ đó đất được xây dựng nhà cửa, các công trình công cộng… khang trang hơn, các con đường hầu hết được tráng nhựa, người dân sinh sống đông đúc, cũng từ đó diện tích đất bị thu hẹp, trâu, bò không còn cỏ để ăn, nên đàn trâu, bò phải tìm về Khu đô thị sinh thái Golden Hills để ăn hàng ngày. Khu đô thị sinh thái Golden Hills diện tích quá rộng với 370ha tổng dự án, mà chỉ vỏn vẹn hơn 100 hộ dân sinh sống, cũng như tổ dân phố 34 mặc dù người dân nơi đây tái định cư từ xã Hòa Liên về nơi ở mới, nhưng diện tích tại hai tổ dân phố này nằm gần các dự án chưa được xây dựng, người dân ở chưa đông, từ đó trâu, bò được lùa về đây khá nhiều, thậm chí ăn, ngủ tại chỗ, phóng uế bừa bãi cả đường đi, trước nhà dân và nơi làm việc các cơ quan.
Qua tìm hiểu được biết, toàn phường Hòa Hiệp Nam không có hộ nào nuôi trâu, bò thả rong, nhưng địa bàn nơi đây, có cả hồ nước rộng và dài, nên đàn trâu, bò tập trung về đây, nhất là đàn trâu rất thích tắm nước…
Cần có sự vào cuộc của hai địa phương
Để chấm dứt vấn nạn trâu, bò thả rong điều quan trọng phải có sự liên kết giữa UBND Phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) và UBND xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) trước hết tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ đối với những hộ chăn nuôi và khi quán triệt thì cần thực hiện dài hơi và mạnh tay… Có vậy thì vấn nạn trâu, bò thả rong mới có kết quả như ý.
Ông Phạm Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Nam cho rằng: “Ý kiến đóng góp của người dân và cơ quan chức năng sẽ được Ủy ban MTTQ phường tập hợp, báo cáo, đề xuất với chính quyền địa phương, với hy vọng thời gian tới địa phương sẽ có thêm những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, trên tinh thần vừa bảo đảm tính nhân văn, mỹ quan đô thị, vừa tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi, ổn định kinh tế”.
Người dân sinh sống tại Phường Hòa Hiệp Nam luôn đau đáu và suy ngẫm… Vậy đến lúc nào vấn nạn trâu, bò thả rong mới chấm dứt?. Đây là bài toán khó chăng đối với chính quyền sở tại…?
Hoàng Hữu Quyết