Tại cuộc họp báo, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đã thông tin những kết quả nổi bật trong công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực năm 2023 như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng; Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; Công tác điều tra, truy tố, xét xử; Công tác thu hồi tài sản tham nhũng; Hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh…

Họp báo sau phiên họp lần thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Họp báo sau phiên họp lần thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh noichinh.vn.

Về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, đại diện Ban Nội chính Trung ương cho biết: Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 06 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022). Riêng án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can.

Chúng ta hoàn thiện thể chế, ban hành rất nhiều quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước như vậy, vì sao số cán bộ bị xử lý ngày càng tăng lên. Phải chăng cán bộ không biết sợ? Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Cán bộ đã biết sợ. Sở dĩ số lượng cán bộ bị xử lý tăng lên là do sai phạm diễn ra từ lâu và khi chúng ta làm kiên quyết, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì số lượng cán bộ sai phạm bị phát hiện và xử lý tăng lên. 2/3 số bị xử lý là từ các nhiệm kỳ trước.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tập trung vào 07 nhiệm vụ, trong đó có việc ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới;

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 27 CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo noichinh.vn/VOV.vn