Đối với Công ty Phương Trang, đã “khó” lại càng không thể “nghèo” hơn, khi mà khối tài sản hơn 14.000 tỷ đồng nằm tại Trustbank suốt gần 10 năm đang dần giảm đi giá trị, nhưng vẫn phải gồng mình để trả gốc và lãi cho khoản đã vay tại Trustbank.
Trói buộc “dây oan”
Theo kết luận của Cơ quan Điều tra và nội dung được nêu trong cáo trạng của VKSTC, sau khi nâng vốn điều lệ của TrustBank lên 3.000 tỷ đồng vào giữa năm 2010, Hứa Thị Phấn đã tìm cách “hợp thức hóa” vai trò của mình tại Trustbank, bằng việc mua lại gần 255 triệu cổ phần của ngân hàng này (tương đương hơn 2.500 tỷ đồng),
Điều đáng nói, số tiền Hứa Thị Phấn có được để mua số cổ phần trên, ngoài việc chỉ đạo nhân viên lập các chứng từ khống tất toán gốc và lãi với tổng số tiền hơn 650 tỷ đồng, nhằm không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, từ đó đã hợp thức hoá có thêm 650 tỷ đồng.
Hơn 200 chiếc xe ô tô của Phương Trang bị "giam lỏng" tại Trustbank đang dần trở thành sắt vụn
Hứa Thị Phấn còn ràng buộc “dây oan” khi đưa 14 người thân của mình (trong 29 nạn nhân của Nhóm Phú Mỹ) là những em ruột, cháu ruột, cháu rể, em rể… không chỉ mang tiếng là “con nợ khó đòi”, mà còn đưa họ vào vòng lao lý khi đứng ra “bảo lãnh” vay vốn cho Hứa Thị Phấn tại Trustbank.
Cụ thể, như: Hứa Xường (Em ruột - nguyên thành viên HĐQT TrustBank); Ngô Kim Huệ, Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank), Hứa Thị Bích Hạnh (nguyên Phó phòng đầu tư TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ), Ngô Thị Ngân (thủ quỹ), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên Phó phòng phụ trách phòng ngân quỹ TrustBank), Nguyễn Thị Đoan Trang (thủ quỹ), Huỳnh Thị Xuân Hương (kế toán), Hồ Hứa Thùy Trang (thủ quỹ), Hồ Hứa Thùy Anh (thủ quỹ), Hồ Văn Tân (nhân viên Công ty CP địa ốc Lam Giang), Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Lam Giang), Hồ Tuấn Kiệt và Hứa Hữu Đạt.
Từ khi nắm quyền điều hành, chi phối mọi hoạt động của Trustbank, bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, lợi dụng vào vị thế của mình tại Trustbank, Hứa Thị Phấn không chỉ biến những cái “không” thành “có”, biến cái của “người khác” làm “của mình”, từ đó rút ruột của TrustBank hơn 12.000 tỷ đồng, đưa TrustBank có vốn chủ sở hữu âm đến hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng vào thời điểm 2/2012.
Đại án Trustbank không thể không kể đến “con nợ khủng” của Hứa Thị Phấn - Công ty CP đầu tư Phương Trang (gọi tắt là Phương Trang). Mối “dây oan” mà Hứa Thị Phấn tạo ra cho doanh nghiệp này, còn lớn hơn cả vốn chủ sở hữu của Trustbank vào thời điểm bấy giờ.
Sau khi biết Phương Trang có nhu cầu vay vốn tại Trustbank với nhiều tài sản đảm bảo lên đến gần 15.000 tỷ đồng (do Trustbank định giá tại thời điểm lập hồ sơ vay), gồm: 221 ô tô, 44 BĐS tại các tỉnh thành như Tp.HCM (21 BĐS), Đà Nẵng (21 BĐS) và Long An (2 BĐS), Hứa Thị Phấn xuất hiện như một “thánh sống” khi ra tay “giúp đỡ” để doanh nghiệp này được giải ngân vốn, nên chẳng mảy may nghị ngờ khi đặt bút ký trước vào các hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân… và đều được Hứa Thị Phấn chỉ đạo lập “khống”.
Điều bất ngờ khác là sau khi chuyển đổi Trustbank thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – CB Bank (gọi tắt là Ngân hàng Xây dựng), Ngân hàng Xây dựng đã thuê công ty định khác định giá và 40/44 BĐS là trong 44 BĐS của Phương Trang có hơn 7.300 tỉ đồng (!?).
Sau khi vụ án được mở rộng điều tra (2007), thì Cơ quan Điều tra đã kê biên toàn bộ tài sản.
Đại diện doanh nghiệp này cho hay, “Chúng tôi hiện nay không chỉ mất thời gian, công sức và một khoản tiền không nhỏ vào vụ án này, mà Phương Trang còn đang chịu thiệt thòi rất lớn, khi “trói buộc” cơ hội kinh doanh và tính thanh khoản cho dòng vốn đầu tư, bởi các tài sản thế chấp đảm bảo tại ngân hàng hiện nay cũng đã có giá trị cao hơn gấp 4,5 lần so với thời điểm đó. Những thiệt thòi đó của Phương Trang - ai là người chịu trách nhiệm?”.
Hứa Thị Phấn trốn tránh hầu tòa?
Vụ án đang đi đến hồi kết, khi các kết luận của Cơ quan Điều tra và cáo trạng mà VKSTC đã phê chuẩn, sẽ chính thức được đưa ra xét xử vào ngày 8/5 tới đây.
Tuy nhiên, hiện dư luận hiện đang rất quan tâm về các nhân vật “chủ chốt của vụ án” như Hứa Thị Phấn đang điều trị bệnh tại bệnh viện. còn 02 cánh tay đắc lực của Hứa Thị Phấn là Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Trustbank) và Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) đều mang thai con thứ 3 và nuôi con nhỏ… có thể hầu tòa không?
Cũng tại kết luận của Cơ quan Điều tra và Cáo trạng của VKSND ghi rõ, bà Phấn một năm qua CQĐT không thể tiếp xúc để lấy lời khai của bà Phấn. Khi tới gặp thì bà Phấn gọi không nghe, “ú ớ” không trả lời nhưng vẫn ký vào các đơn kháng án, tố cáo… Điều đó cho thấy có dấu hiệu không hợp tác với Cơ quan Điều tra, cần được đưa vào trong quá trình xét xử để tăng giảm xử phạt.
Có thể vắng mặt với lý do cáo bệnh, nhưng Cơ quan tố tụng vẫn đủ cơ sở để khởi tố Hứa Thị Phấn trong đợt xét xử, bắt đầu từ ngày 8/5 tới đây (Ảnh:Bảo Lan)
Về góc độ Hứa Thị Phấn có cáo bệnh để tránh hầu tòa hay không và Tòa có phải dừng ngày xét xử lại hay không? Thì luật sư Huỳnh Trung Hiếu - Trưởng văn phòng luật Hasslaws cho biết, tại Khoản c Điều 60 của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 về quyền và nghĩa vụ im lặng của bị can (Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội).
Nhưng luật sư Hiếu cũng đã chia sẻ, theo quy định hiện nay, lời khai chỉ là một nguồn chứng cứ chứ không phải tất cả. Nếu cho lời khai nhưng lời khai trái bản chất chứng cứ hoặc cố tạo dựng chứng cứ không hợp pháp thì không được sử dụng. Việc xét xử thực tế, cần rất nhiều nguồn khác nhau để đối chiếu so sánh, củng cố nội dung, tình tiết, tài liệu buộc tội của Cơ quan tiến hành tố tụng.
Như vậy, đối với vụ án Trustbank, bản cáo trạng dài hơn 80 trang của của VKSTC cũng đã ghi rõ: Hoàng Văn Toàn (Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (TGĐ), Ngô Kim Huệ (phó TGĐ) và hàng loạt các cán bộ chủ chốt khai nhận đều làm theo chỉ đạo của bà Phấn. Do vậy, lời khai của Hứa Thị Phấn chỉ là một trong số các nhóm lời khai của các bên liên quan và Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có đủ cơ sở để khởi tố vụ án.
Luật sư Hiếu phân tích thêm, đối với việc bà Phấn cáo bệnh nhằm mục đích gì nhưng theo Điều 29 Luật giám định cũng quy định “Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho giám định lại để xác định tình trạng sức khoẻ vào thời điểm hiện nay, để đưa ra kết luận chữa bệnh có thời hạn hay không”.
Về việc thành lập Hội đồng giám định, tại Điều 30 quy định: “Hội đồng giám định phải do Bộ trưởng, Thứ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai. Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Và phải hoạt động theo cơ chế giám định tập thể. Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định”.
Bảo Lan