Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Bộ trưởng cho biết về thống kê đánh giá về các chỉ tiêu môi trường. Hiện nay cử tri rất quan tâm và lo lắng ô nhiễm môi trường từ nước thải của các cơ sở y tế xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Bộ trưởng cho biết đến nay đã có bao nhiêu phần trăm cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn tiêu chuẩn còn bao nhiêu phần trăm chưa đạt? Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Ô nhiễm môi trường nông thôn tôi đã chất vấn Bộ trưởng nhưng vẫn chưa chuyển biến, vậy giải pháp căn cơ hiện nay là gì?
Trả lời đại biểu Thúy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Theo luật quy định, quản lý chất thải y tế sẽ do Bộ Y tế và UBND các địa phương quản lý. Theo báo cáo, ở hầu hết các bệnh viện thuộc các thành phố lớn, trung tâm đô thị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Các chất thải rắn y tế nguy hại độc hại đã được đưa đến để xử lý tập trung ở tại các trung tâm xử lý chất thải ngay. Có thể khẳng định Bộ Y tế sẽ làm tốt công việc này. Riêng ô nhiễm cát bụi trong bệnh viện đã được quy định, nếu các bệnh viện không chấp hành sẽ bị xử phạt.
Câu hỏi thứ hai, vấn đề môi trường khu vực nông thôn hiện nay là khu vực cần phải quan tâm đặc biệt, trong đó trước tiên là chất thải nông thôn gồm chất thải làng nghề và làng nghề thủ công nghiệp cùng với đó là rất nhiều chất thải chăn nuôi, chất thải sản xuất nông nghiệp… Thời gian qua công tác xử lý vấn đề này chưa làm được nhiều, nhiều chỉ tiêu chưa đạt.Hiện đã ban hành 3 nghị định để xử lý rác ở khu công nghiệp và làng nghề. Chúng tôi sẽ tổ chức triển khai và bố trí kinh phí thực hiện. Tôi chỉ trả lời được như vậy, còn lại tôi xin nợ.
Cùng với đó, vấn đề môi trường nông thôn đã được Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm thực hiện trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện chưa có thống kê đánh giá. Chính phủ với sự tham mưu của các bộ liên quan đã ban hành các Nghị định để tập trung giải quyết ô nhiễm, chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề… trong đó đã phân định rất rõ chức năng nhiệm vụ.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Phú Thọ) chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hiện rác thải từ các nhà máy nhiệt điện được coi là chất thải rắn thông thường. Đây là bất cập khi xử lý chất thải rò rỉ bởi đây không phải là chất thải rắn. Xin Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?
Trả lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đối với nhà máy nhiệt điện thì chất thải rắn rất lớn và có thể tận dụng để làm vật liệu san lấp. Vấn đề này tôi xin gặp đại biểu để trao đổi thêm nếu có vấn đề liên quan đến môi trường.
Đại biểu Mai Sỹ Diến tranh luận lại: Theo quy chuẩn về ngưỡng chất thải nguy hại, và điều này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhiệt điện than. Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn nhưng Bộ TNMT chưa có văn bản để “cởi trói” cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu có doanh nghiệp nào vướng mắc, văn bản nào chưa rõ thì tôi chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp phải tiến hành làm thí nghiệm chứ chúng tôi không cản trở về vấn đề nguyên liệu.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chất vấn: Hiện nay có nhiều dự án đầu tư và cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động nhưng công nghệ lạc hậu. Những DN xả thải ở địa phương nếu vi phạm phải dừng hoạt động, nhưng nếu chính quyền thực hiện các giải pháp như cắt điện, cắt nước thì lại vi phạm luật. Theo Bộ trưởng, giải pháp cho vấn đề này ra sao?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Các khâu quản lý và đánh giá tác động môi trường đã có, nhưng vấn đề công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu DN vi phạm, gây ô nhiễm môi trường thì cần xử lý ngay, cần thiết thì phải đình chỉ hoạt động.
Các biện pháp cắt nước, cắt điện chỉ là giải pháp bổ sung. Nếu các DN vi phạm thì mời DN lên làm việc và tịch thu các phương tiện, chúng ta có đủ chế tài để xử lý.
Hoan Nguyễn