Sáng 27/5, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), bày tỏ sự ủng hộ triển khai chuyên đề giám sát số 1 về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, mong muốn sau giám sát phải có sự chuyển động, thay đổi, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 đến nay mới giải ngân được 87.300 tỉ đồng/301.000 tỉ đồng, không kể 46.000 tỉ đồng cho y tế. Tức là - tốn thời gian 1,5 năm mới đạt tỉ lệ giải ngân 29%, trong khi gói hỗ trợ này chỉ có thời hạn hai năm.
“Chúng ta thấy, chỉ có một gói triển khai tương đối tốt là gói về đầu tư hạ tầng. Các thành viên Chính phủ, Thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng kể cả lễ, Tết, ngày nghỉ, ngày thứ 7, cũng đi lăn xả, giám sát công trình nên cao tốc Bắc - Nam, triển khai khá hiệu quả", ông Ngân nhận xét.
Ngoài ra, vị ĐBQH đoàn TP. HCM cũng chỉ rõ, hiện nay, tổng cầu thế giới và trong nước đã suy giảm, các siêu thị khuyến mãi rất nhiều, nhưng doanh thu rất khó.
Từ đó, ông Ngân đề nghị, Chính phủ đề xuất Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người thân mất trong đại dịch Covid-19.
Phát biểu tổng kết phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý: “Đề xuất gói hỗ trợ khẩn cấp về an sinh xã hội, hôm nay có Thủ tướng dự, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ nghiên cứu để báo cáo có tiếp thu, giải trình trong phiên kết luận về thảo luận về kinh tế - xã hội trong năm 2023”.
Phương Thảo