THCLNhững năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa, dòng sông Hồng bị “bóp nghẹt” bởi chính bàn tay con người. Nạn đổ phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông, bãi sông Hồng đoạn qua các quận nội thành Hà Nội đã trở nên phổ biến.
Tại đây đã hình thành các bãi rác được chôn lấp quy mô lớn, được ngụy trang như bãi bồi nhân tạo, vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo vệ đê điều.
Nhiều điểm chôn lấp rác
Phế thải “tiến công” bãi bồi, hành lang thoát lũ
Hiện tượng lấp sông cạn, đổ chất thải vào hành lang xả lũ sông Hồng thuộc địa phận phường Long Biên vốn không còn xa lạ gì với nhiều người dân hàng ngày vẫn qua lại trên cây cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Chiều đến, đêm về, những xe chở đầy rác thải dân sinh từ khắp các ngõ ngách đô thị, vẫn được tập kết đổ về đây. Những đống phế thải xây dựng xuất hiện ngày một nhiều hơn, những “con đường” mới cắt ngang dòng chảy cũ cũng đang dần hình thành. Tất cả những hoạt động đó diễn ra ngay trong phạm vi “chỉ giới thoát lũ”.
Điều đáng lo ngại là một số bãi rác, phế thải được bồi lấp quy mô lớn, có chủ ý tại các bãi đất ven sông, đã xâm phạm chỉ giới thoát lũ, vi phạm Luật Đê điều, cũng như các quy định về xử lý rác, phế thải. Điển hình là khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa phận phường Long Biên (Long Biên, Hà Nội) quản lý. Nhiều người dân sinh sống tại ven bãi sông Hồng và dọc đê thuộc địa bàn phường Long Biên bức xúc vì vụ việc chôn lấp rác thải vi phạm Luật Đê điều tại phường Long Biên diễn ra từ năm 2015, nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.
Chị Nguyễn Thị L, người sống gần khu vực bãi rác cho biết: “Nhiều tháng nay, cứ chiều muộn, kìn kìn các xe chở rác ra sông Hồng, theo đường từ đê Tư Đình, hoặc theo đường ven sông từ bãi Trạm ngược lên đi vào bãi. Sau giờ thu gom rác, cho đến sáng, mật độ xe chở rác ra bãi sông càng nhiều hơn”.
Phế thải, vật liệu xây dựng chất cao như núi
Sông Hồng trước nguy cơ bị “bức tử”
Theo phản ánh của người dân, trước kia, những chiếc xe này chỉ hoạt động ban ngày, nhưng thời gian gần đây hoạt động cả ban đêm, có hôm chạy từ tờ mờ sáng và việc chôn lấp rác thải diễn ra ngay trong hành lang xả lũ thuộc địa phận quản lý phường Long Biên. Người dân hoang mang, bởi ngoài các xe chở phế liệu thì có nhiều xe bốc mùi hóa chất nồng nặc.
Sau khi nhận được phản ánh, nhóm phóng viên đã mất nhiều ngày thâm nhập, tìm hiểu và xác minh thông tin về việc chôn lấp phế liệu, rác thải trong hành lang xả lũ là có thật. Phóng viên mất khá nhiều thời gian để tìm ra được bãi chôn lấp nằm ở đâu, chôn lấp diễn ra như thế nào?... Việc thâm nhập vào bãi đổ thải này thật không hề đơn giản, vì lối vào là đường đê độc đạo, lại được sự cảnh giới nhiều lớp của đám “chim lợn” và của chính các chủ xe tải.
Những ngày đầu, để thâm nhập được vào bãi chôn lấp, PV bị nhiều đối tượng lạ mặt, xăm trổ bám theo và tìm hiểu chúng tôi có phải là người của cơ quan chức năng hay không? Bằng nhiều biện pháp khác nhau, chúng tôi cũng thâm nhập được vào địa điểm chôn lấp rác thải và hình ảnh đại công trường “lấp” sông Hồng bằng phế liệu, rác thải sinh hoạt được ghi lại.
Theo ghi nhận, tại bãi chôn lấp thuộc phường Long Biên có diện tích chôn lấp khoảng 10 hecta, chỉ trong chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã chứng kiến 3 xe chở rác thải dân sinh xuất hiện được đưa vào vị trí tập kết, tại lòng sông cạn, phía trong cột mốc “chỉ giới thoát lũ” gần 300 mét, việc tập kết, chôn lấp rác được sự hỗ trợ của máy xúc, ô tô kéo và con người, rác được vùi xuống lòng sông cạn rồi được phủ lên bằng một lớp đất nhằm xóa dấu vết. Nhiều điểm chôn lấp có độ cao gần gấp 3 lần so với chiều cao của phóng viên, bãi rác cứ lấn dần ra lòng sông.
Đứng trên cầu Vĩnh Tuy nhìn xuống, rất dễ dàng nhận thấy có đến 3 bãi bồi nhân tạo thuộc hành lang xả lũ đang lớn dần từng ngày. Tại đây, một phần lòng sông cũ với diện tích rộng đã được lấp lên một lớp đất mới rất dầy. Một con đường mòn cắt qua lòng sông cạn cũng được bồi đắp và đang hình thành...
Nhóm PV
Những hành vi nêu trên đã vi phạm Nghị định số 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống lụt, bão”. Tại điểm a, b, khoản 3, Điều 12 của Nghị định nêu rõ: nghiêm cấm hành vi lấp sông, đổ phế thải, trong phạm vi “chỉ giới thoát lũ”. Các hành vi vi phạm đều bị xử lý, phạt tiền. Điểm a, khoản 8, Điều 12 cũng quy định về biện pháp khắc phục, buộc đương sự phải khôi phục nguyên trạng. |