Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA) gồm các thương hiệu như Audi, Porsche, Aston Martin, Jeep, Volkswagen, Volvo, Jeep, Jaguar & Land Rover, Ferrari, Subaru, Maserati cho rằng không công bằng khi ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô chỉ dành cho loại sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Đại diện các hãng này, hôm 25/10, cùng ký tên trong bản kiến nghị gửi lên Chính phủ với mong muốn ưu đãi cần áp dụng cho cả xe nhập khẩu (CBU).

VIVA phân trần: "Chúng tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ô tô trong đại dịch Covid-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".

Theo đại diện VIVA, dịch Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu chứ không riêng hình thức nào. Vì thế, việc ưu đãi nên dành cho cả hai, xe CKD và xe CBU, cũng là hình thức hỗ trợ cho toàn cộng đồng. Lần đầu Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ xe CKD (Nghị định 70) để kích cầu thị trường là vào cuối tháng 6/2020 và kéo dài đến hết tháng 12/2020.

Bên cạnh các hãng thuần nhập và phân phối xe (VIVA), các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng có sản phẩm nhập khẩu, ví dụ Toyota, Mitsubishi, Honda, Suzuki, Ford, Mazda, Mercedes. Một số hãng thuần lắp ráp, sản xuất trong nước (chỉ tính xe con) như Hyundai (phân phối bởi TC Motor), Kia, VinFast.

Quản lý nhiều showroom ô tô cho rằng, ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe CKD nếu được thông qua sẽ là cú hích cho thị trường cuối 2021. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên xung đột khi các hãng xe thuần bán xe CKD hoặc vừa CKD và CBU hưởng lợi. Ngược lại, các hãng xe thuần CBU gặp nhiều trở ngại để tiếp cận khách hàng. Tuy vậy, một số khách hàng ưu tiên sở hữu xe nhập dù có được ưu đãi lệ phí trước bạ hay không, đặc biệt ở phân khúc xe sang.

Đức Anh