Trường Đại học Hà Nội hiện có 3 cơ sở đào tạo với tổng diện tích 50ha, gần 1.500 cán bộ, giảng viên, trong đó có trên 200 giảng viên có trình độ tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư.

Quy mô của trường trên 30.000 học viên, sinh viên, đào tạo nhiều cấp trình độ gồm 4 ngành tiến sỹ, 9 ngành thạc sỹ, 33 ngành đại học, 15 ngành cao đẳng, đào tạo liên thông, đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo các chương trình ngắn hạn, chương trình hợp tác quốc tế.

Mỗi năm, trường cung cấp cho thị trường lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hơn 10.000 kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên có kiến thức, kỹ năng và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại học Công nghiệp Hà Nội - 120 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới - Hình 1

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Nhà giáo nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Quý - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định:

"Đại học Công nghiệp Hà Nội quyết tâm thực hiện phát triển Nhà trường trên tầm cao mới với các nhiệm vụ trọng tâm đó là Đổi mới quản trị đại học theo mô hình đại học điện tử, hướng tới quản trị đại học thông minh, thực hiện tự chủ đi đôi với trách nhiệm xã hội, coi người học là trung tâm của mọi hoạt động;

Nhà trường phát triển theo định hướng hội nhập quốc tế, áp dụng những tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế, tiếp thu chọn lọc những mô hình và kinh nghiệm thành công của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, chú trọng nâng cao năng lực thực chất của cả người dạy và người học;

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển chất lượng, giữ ổn định quy mô đào tạo, phát huy thế mạnh cốt lõi trong đào tạo chất lượng cao, đào tạo trình độ cao và nghiên cứu mũi nhọn, ưu tiên một số lĩnh vực, ngành nghề có vai trò then chốt đối với nền cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển chương trình đào tạo theo ngành rộng với đinh hướng đào tạo ứng dụng, trang bị kiến thức nền tảng vững chắc đồng thời chú trọng phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp và khả năng thích ứng trong môi trường quốc tế; Gắn kết nghiên cứu với đào tạo, sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ứng dụng, đào tạo gắn với doanh nghiệp, gắn với sản xuất”.

Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng, có tiền thân từ 2 trường: Trường chuyên nghiệp Hà Nội (thành lập năm 1898) và Trường Chuyên nghiệp Hải phòng (thành lập năm 1913). Trong những năm chiến tranh cả hai trường nhiều lần di chuyển địa điểm, nâng cấp, sáp nhập, đổi tên thành Trung học Công nghiệp I, Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (năm 1999) và Đại học Công nghiệp Hà Nội (năm 2005).

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn được đánh giá là cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế hàng đầu của cả nước. Trong hành trình 120 năm, nhà trường đã cung cấp hàng vạn các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, cử nhân cho đất nước.

Trong số đó, nhiều cựu sinh viên của trường đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đã đi vào lịch sử làm rạng danh quốc gia, dân tộc... Nhiều cựu sinh viên đã trở thành nhà quản trị, doanh nhân thành đạt, nhiều người trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động.

Trong suốt chiều dài lịch sử 120 năm, trường vinh dự được đón Bác Hồ 4 lần về thăm (từ năm 1945 - 1957): lần thứ nhất Bác về thăm vào tháng 9 năm 1945. Lần thứ hai sau đó 10 năm vào tháng 9 năm 1955. Đặc biệt, năm 1957, trường vinh dự đón Bác về thăm 2 lần vào tháng 1 và tháng 5.

Tại buổi gặp mặt ngày 26/1/1957, Người đã nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường về vai trò của người cán bộ kỹ thuật đối với công cuộc xây dựng đất nước. Người căn dặn: “Các cháu cần ra sức học tập để sau này phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Vì trong việc xây dựng kinh tế hiện đang cần nhiều cán bộ kỹ thuật”.

Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Trường đã được tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 01 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 01 Huân chương Độc lập hạng Ba; 01 Huân chương Chiến công hạng Ba; 13 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều Cờ thưởng và Bằng khen của Chính phủ, các Bộ, ngành…

Minh Anh