Tăng cường truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời

Tăng cường truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tổ chức phát động cuộc thi từ ngày 29/8/2019.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ lưu học sinh Lào trên toàn quốc, tất cả các cơ sở giáo dục có truyền thống về đào tạo lưu học sinh Lào và có số lượng lưu học sinh Lào học tập đông đều đã đăng ký tham gia và luyện tập rất tích cực, kỷ luật và quyết tâm.

Đại học Thái Nguyên, địa điểm tổ chức cuộc thiĐại học Thái Nguyên, địa điểm tổ chức cuộc thi. (Ảnh: Hoàng Thiệp)

Hiện nay, Ban tổ chức và đặc biệt là Đại  học Thái Nguyên - đơn vị đươc chọn đăng cai vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam năm 2019 đã chuẩn bị tất cả công tác từ tiếp đón, lễ tân, hậu cần, truyền thông một cách chu đáo, chuyên nghiệp để hướng tới sự thành công tốt đẹp của cuộc thi chung kết vào ngày 8/11.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác đặc biệt từ lâu đời. Trong lĩnh vực giáo dục, sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào cũng đã có bề dày lịch sử. Cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục tại vùng giải phóng Lào, ngay từ năm 1958, Việt Nam đã đón nhận hàng trăm con em của các bộ tộc Lào sang học tập để sau này trở về xây dựng đất nước.

Tính đến thời điểm năm 2019, hiện có trên 16.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại gần 180 cơ sở giáo dục tại Việt Nam, ở nhiều bậc học khác nhau từ trung học cho tới tiến sĩ với đủ các ngành nghề và lĩnh vực mà nước bạn Lào đang rất cần đào tạo cho công cuộc đổi mới, phát triển và hiện đại hoá.

Nâng cao kiến thức, chất lượng và hiệu quả học tập

Cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy gian nan và thử thách, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt.

Trong nhiều năm nay, tiếng Việt đã được xây dựng như một chương trình hoàn thiện ở giai đoạn tiền đề và tiếp tục được giảng dạy với tính chất chuyên ngành trong suốt những năm tiếp theo cho lưu học sinh Lào nhằm giúp các em vượt qua rào cản ngôn ngữ, tiếp thu tri thức cũng như hòa nhập nhanh chóng với đời sống văn hóa Việt Nam. Việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Cuộc thi nhằm tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt NamCuộc thi nhằm tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Lào; nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam

Với chủ đề “Việt Nam - đất nước tôi yêu", cuộc thi lần này có mục tiêu: Tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam – Lào, tạo dựng sân chơi, củng cố vốn tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam; khuyến khích các lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam.

Các lưu học sinh Lào, với kiến thức, trải nghiệm và tình cảm của mình với Việt Nam sẽ dùng chính tiếng Việt để thể hiện những điều mà các em tâm đắc nhất. Thông qua cuộc thi này nhằm mục tiêu khuyến khích các lưu học sinh Lào hùng biện và chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; cảm nhận về thiên nhiên, danh lam thắng cảnh của Việt Nam; kinh nghiệm học tập Tiếng Việt; kỷ niệm của bản thân khi học tập và sinh sống tại Việt Nam. Sự kiện này cũng là dịp chào mừng 44 năm Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (02/12/1975-02/12/2019) và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019.

Vòng sơ khảo tại khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam đã thu hút 67 đội tuyển đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước tham gia. Ban Tổ chức cuộc thi đã lựa chọn ra 12 đội thi xuất sắc nhất bước chân vào vòng chung kết.

Đêm chung kết có sự tham gia của các đội: Trường ĐH Sư phạm, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên; Học viện Ngoại giao; Trường ĐH Giao thông vận tải; Trường ĐH Ngoại thương; Trường ĐH Sư phạm Vinh; ĐH Công nghiệp Quảng Ninh; Trường ĐH Y dược Huế; Trường ĐH Hồng Đức; Trường ĐH Cửu Long; Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;  Trường ĐH Đồng Nai.

GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên - - đơn vị đươc chọn đăng cai trao Cờ lưu niệm cho các đội tham gia dự thi tại ĐHTNGS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên - đơn vị đươc chọn đăng cai trao Cờ lưu niệm cho các đội tham gia dự thi 

Phát biểu trước vòng chung kết toàn quốc cuộc thi, GS.TS. Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào chọn đăng cai vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam năm 2019 trên quy mô toàn quốc, đây là một niềm vinh dự và cũng từng bước khẳng định tầm nhìn, thương hiệu trường lên tầm cao mới. Mối quan hệ tốt đẹp, tình hữu nghị thủy chung giữa hai nước anh em Việt Nam và Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phom – vi – hẳn đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai nhà nước kế tục và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có trên 1.000 sinh viên quốc tế của 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 800 lưu học sinh Lào theo học. Hoạt động này là cơ hội để sinh viên hai nước được giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết về đất nước và con người qua đó góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

Hoàng Thiệp