Dự lễ khai giảng, có ông Trịnh Việt Hùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường đại học, cao đẳng, khoa trực thuộc; các nhà giáo là anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; Giáo sư, Phó Giáo sư; các cán bộ là lãnh đạo Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ cùng các sinh viên Việt Nam, quốc tế tiêu biểu đại diện cho hơn 7.000 sinh viên mới nhập học, đại diện cho hơn 65.000 sinh viên của Đại học Thái Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, thay mặt lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, NGƯT. GS.TS Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã bày tỏ niềm vui và cảm ơn các em sinh viên đã lựa chọn Đại học Thái Nguyên, địa chỉ tin cậy về chất lượng và uy tín trong giáo dục và đào tạo (7/7 trường ĐH được kiểm định chất lượng giáo dục đại học vả được công nhận đạt chuẩn của Quốc gia)và mong các em luôn duy trì cảm hứng học tập, tìm kiếm và lựa chọn cách học ở trường đại học và tự mình quyết định con đường phía trước.
GS.TS. Phạm Hồng Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi lễ
Giám đốc cũng nhắn nhủ các em sinh viên hãy tìm mọi cách khai phóng trí tuệ của tuổi trẻ cũng như sử dụng có hiệu quả đồng tiền của cha mẹ dành cho mình để học với mục tiêu bình dị nhưng rất vĩ đại:“Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại và Học để chung sống”(như UNESCO đã khuyến cáo). Trong đó, Giám đốc nhấn mạnh các em cần giỏi ngoại ngữ, rèn tư duy phản biện, kĩ năng sáng tạo và kĩ năng nghề nghiệp - là những điểm then chốt giúp các em vượt qua các thách thức và hội nhập trong thế giới năng động.
Tại lễ khai giảng, Giám đốc cũng đề nghị hiệu trưởng các nhà trường và các giảng viên đại học cần giữ vững 3 trụ cột của giáo dục đại học đó là: Đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao khoa học thành công; tư vấn và phản biện chính sách hiệu quả. Đồng thời, mỗi giảng viên phải có trách nhiệm cao với người học; thực sự là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo trước sinh viên.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng Lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 của Đại học Thái Nguyên
Hiện nay, ĐHTN gồm 07 trường đại học thành viên (Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Y Dược; Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học); 02 khoa trực thuộc (Khoa Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế),01 trường cao đẳng, 01 Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, 03 viện nghiên cứu,01 bệnh viện thực hành, 01 nhà xuất bản và 05 trung tâm. Đến nay, 7/7 trường đại học đã được kiểm định chất lượng, 3/7 trường đại học được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Đại học Thái Nguyên có 4.146cán bộ viên chức, trong đó có 2.621 cán bộ giảng, 154 giáo sư, phó giáo sư, 712 tiến sĩ, 2181 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao ở tất cả các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế. Một số trường đại học có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cao như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Nông Lâm…
Đại học đang đào tạo 282 ngành, trong đó 32 ngành tiến sĩ, 60 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa, 141 ngành đại học và 25 ngành cao đẳng. Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên bao trùm hầu hết các lĩnh vực (trừ lĩnh vực ngoại giao, an ninh - quốc phòng).
Các đại biểu dự lễ khai giảng
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo gần 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học (13.618 thạc sĩ, 268 tiến sĩ, 2.560 bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú).Đặc biệt, số sinh viên hệ cử tuyển là 795 người, 440 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 146 tốt nghiệp thạc sĩ. Hiện nay ĐHTN đang đào tạo trên 60.000 người, học viên sau đại học đạt gần 5.100 người, trong đó có 700 người nước ngoài của 12 nước đến học tập và nghiên cứu khoa học (có 176 lưu học sinh của nước CHDCND Lào). Một số lĩnh vực trọng tâm đào tạo chất lượng cao của ĐHTN: Nông – lâm – ngư nghiệp; Y – dược; Kỹ thuật; Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên; Ngoại ngữ…
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện 3.577 đề tài các cấp, trong đó có 54 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 71 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 341 đề tài cấp Bộ, ngành khác, 17 đề tài của quỹ Nafosted; Chuyển giao kết quả nghiên cứu của 166 đề tài trực tiếp gắn với các địa phương trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với tổng kinh phí thực hiện là 190 tỷ đồng.Mỗi năm ĐHTN có khoảng 1000 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, số lượng bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và Scopus tăng lên đáng kể, năm 2015 có 43 bài, năm 2017 có 133 bài, năm 2018 có 161 bài. ĐHTN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác toàn diện với 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, ký hàng trăm hợp đồng chuyển giao công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các chương trình như: dược liệu, thủy sản, giáo dục STEM, y tế… mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Trong đó, hợp tác về với tỉnh Thái Nguyên với kinh phí là 100 tỷ đồng.Hợp tác quốc tế về KHCN: thực hiện 21 dự án thuộc các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nông lâm nghiệp… với tổng kinh phí trên 5 triệu USD. Đã ký 115 biên bản ghi nhớ và hợp tác với các đối tác như: Ủy ban Châu Âu EU, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Liên ban Đức, Hàn Quốc, Bỉ…
Ông Trịnh Việt Hùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao học bổng cho các thủ khoa của ĐHTN
Nhân dip này, Tỉnh Thái Nguyên đã trao tặng 11 suất học bổng cho 11 sinh viên là thủ khoa của 11 đơn vị đào tạo trực thuộc, Đại học Thái Nguyên cũng đã tặng 20 suất học bổng có giá trị cho 20 tân sinh viên đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh năm 2019.
Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên còn thực hiện tư vấn và phản biện chính sách hiệu quả như được Ban Kinh tế Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá và phản biện các chính sách trong 30 năm đổi mới 1986 – 2016; Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá các chính sách về kinh tế y tế giai đoạn 1986 – 2016; Tham gia góp ý sửa đổi cho Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học;Chủ trì xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học sư phạm của cả nước.
Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ ngành để đánh giá và đề xuất các chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, dân tộc của Vùng; tổ chức hàng chục hội thảo chuyên đề về phát triển chính sách, các mô hình phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề về chính sách đất đai, việc làm cho người nghèo, các vấn đề xã hội khác được quan tâm.
GS.TS. Phạm Hồng Quang trao phần thưởng cho các tân sinh viên có thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh năm 2019 vào ĐHTN
Trước đó, đoàn đại biểu của lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, các trường thành viên và các sinh viên tiêu biểu đã tới dâng hương Bác Hồ tại Nhà truyền thống của Tỉnh ủy Thái Nguyên; thăm khu di tích 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong đại đội 915, Gia Sàng – Tp. Thái Nguyên.
Đoàn đại biểu lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, các đơn vị thành viên và sinh viên tiêu biểu dâng hương Bác Hồ và chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống của Tỉnh ủy Thái Nguyên
Đây là hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng có ý nghĩa quan trọng, nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, tăng cường công tác giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho sinh viên Đại học Thái Nguyên trước thềm năm học mới 2019-2020 theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030” và chỉ thị năm học mới của ngành giáo dục.
Hoàng Công Luận