Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhân cách Việt Nam trong trái tim nhân loại

Nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể không nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự kiệt xuất với tư duy chiến lược vượt trội. Chiến thắng Điện Biên Phủ - là sự khẳng định thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh trưởng trong một dòng họ Võ lớn, có tiếng tăm tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Gia đình có 7 anh chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm.

Truyền thống quê hương, đất nước và gia đình - đã thấm sâu vào tâm hồn Võ Nguyên Giáp từ những ngày tuổi thơ tắm mát bên dòng Kiến Giang thơ mộng…

Trí tuệ, tầm vóc và nhân cách cao quý của vị tướng soái lừng danh thế giới - Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này, hẳn bắt nguồn từ đó. Để rồi, Đại tướng ra đi không đến Mai Dịch...

Người trở về quê hương Vũng Chùa – Đảo Yến an giấc ngàn thu trong niềm thương nhớ, kính yêu bất tận của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế!

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, tháng 12/1953

“Người cần cho chặng đường cách mạng”

Hai cụ thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên. Là nhà nho có uy tín trong vùng, cụ Nghiêm dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ cho thanh thiếu niên trong làng; bốc thuốc chữa bệnh cứu người.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, cụ Nghiêm bị giặc Pháp bắt, đưa về giam ở Huế. Cụ bị chúng tra tấn và hy sinh ngay trong nhà lao Huế.

Gia đình cụ Nghiêm thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu. Võ Nguyên Giáp, đã có lần theo mẹ chèo thuyền chở thóc đi trả nợ. Khi học xong lớp 3, Võ Nguyên Giáp phải xuống thị xã Đồng Hới học tiếp. Đồng Hới thuộc Quảng Bình, cách làng An Xá trên 20 cây số, nằm bên bờ Nhật Lệ trong xanh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhân cách Việt Nam trong trái tim nhân loại

Hai năm học ở Trường Tiểu học Đồng Hới, hàng tháng, Võ Nguyên Giáp luôn đứng đầu lớp. Tại kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học, ông đỗ đầu toàn tỉnh. Ông về làng được dân làng nể trọng, gia đình rất tự hào.

Năm 13 tuổi, Võ Nguyên Giáp lên đường vào Huế ứng thi. Ngày ấy, học trò các tỉnh Trung Kỳ, muốn học lên bậc trung học, phải thi vào Trường Quốc học Huế.

Là một học sinh xuất sắc của Trường Quốc học Huế, tháng nào học sinh Giáp cũng đứng đầu lớp. Có 1 tháng bỗng dưng ông xuống đứng thứ nhì, bạn bè, thầy giáo rất ngạc nhiên. Nhưng đối với Võ Nguyên Giáp, giờ đây việc học hành không phải là điều mà ông quan tâm nhiều nhất.

Ông bước vào cổng Trường Quốc học Huế đúng vào lúc diễn ra phong trào đấu tranh của nông dân, các tầng lớp trí thức, học sinh Trung Kỳ đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho nhà chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, đòi được để tang nhà yêu nước cách mạng Phan Chu Trinh.

Võ Nguyên Giáp nhanh chóng hòa nhập vào phong trào đấu tranh đó.

Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế. Anh bước vào đời của một chiến sỹ cách mạng. Tại Huế, một người bạn học là Nguyễn Chí Diểu giới thiệu ông Giáp đến làm việc ở Quan Hải tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, trụ sở đặt ở phố Đông Sa. Sáng lập viên là Đào Duy Anh.

Võ Nguyên Giáp là thư ký của nhà xuất bản. Ông sinh hoạt trong một tiểu tổ bí mật của Đảng Tân Việt, do Đào Duy Anh làm Tổ trưởng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng, đặc biệt là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và báo “Người cùng khổ” (Le Paria) từ Pháp gửi về.

Từ năm 1929, Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những thành viên trong nhóm hạt nhân của Đảng Tân Việt. Ông tích cực vận động tổ chức này gia nhập Đảng Cộng sản. Với tư cách là Tổng biên tập báo Tiếng Dân, Đào Duy Anh giới thiệu Võ Nguyên Giáp với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Võ Nguyên Giáp làm biên tập viên tại báo Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ có xu hướng tiến bộ, do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương ra mắt bạn đọc vào tháng 7/1928. Qua tờ báo, Võ Nguyên Giáp viết bài tuyên truyền về chủ nghĩa Mác. Vì thế, chính quyền thực dân ngày đêm theo dõi, giám sát từng hoạt động của ông.

Năm 1936, ở Pháp, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền, buộc chính quyền thuộc địa ở Đông Dương phải thực hiện một số cải cách dân chủ. Võ Nguyên Giáp đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh công khai của Đảng. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, ông viết cho nhiều tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp và trở thành Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.

Cuối năm 1939, Chính phủ Bình dân Pháp bị lật đổ, nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung, đang đứng trước nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa phát xít.

Chuẩn bị dội bão lửa vào đầu giặc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Ở Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đàn áp phong trào cách mạng được dịp trỗi dậy. Ngày đêm chúng lùng sục, bắt bớ, tra tấn nhiều chiến sỹ cộng sản. Chính vào lúc này, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng Sản Đông Dương, khuyên Võ Nguyên Giáp nên ra nước ngoài, nơi ông có dịp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người mà ông luôn ngưỡng mộ.

Mùa hè năm 1940, ông lên đường ra nước ngoài, để lại người bạn đời, người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái và một cháu gái mới sinh là Võ Hồng Anh (sau này trở thành nữ tiến sỹ khoa học vật lý xuất sắc)…

Như một định mệnh, đến Vân Nam (Trung Quốc), Võ Nguyên Giáp được gặp ngay lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thấy Võ Nguyên Giáp là người cần cho chặng đường cách mạng sắp tới. Người liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và cử Võ Nguyên Giáp đi học quân sự tại căn cứ địa Diên An.

Trên đường tới Diên An, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gọi quay lại, vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu, phát xít Đức đã xâm chiếm Pháp. Hồ Chí Minh nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh, cần gấp rút trở về nước, chuẩn bị đón thời cơ.

Tháng 22/12/1944, Hồ Chí Minh trao cho Võ Nguyên Giáp xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mà như lời tiên đoán của Người: “Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó sẽ đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước”.

Người đã thấy trước từ đội quân nhỏ bé này, đội quân cách mạng do Võ Nguyên Giáp đứng đầu - sẽ làm nhiệm vụ lịch sử cao cả: Chiến đấu giải phóng dân tộc.

Khẳng định thiên tài quân sự

Năm 1953, các đòn tiến công chiến lược của quân ta trên các địa bàn trọng điểm, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó và làm phá sản bước đầu mưu đồ tập trung lực lượng của kế hoạch Navarre.

Để cứu vãn tình thế trên chiến trường, Pháp, được sự trợ giúp của Mỹ, đã tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan, trong vòng 18 tháng, sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương.

Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Họ cho rằng, đây là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, Tướng Giáp sẽ “không dám chấp nhận giao chiến”, vì Quân đội Việt Minh chưa bao giờ tiến công một tập đoàn cứ điểm lớn đến như vậy, nếu tiến công vào Điện Biên Phủ, sẽ đi vào con đường tự sát.

Đảng ta đã huy động lực lượng lớn dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu/TTXVN phát)

Vấn đề đặt ra với Bộ Chỉ huy Chiến dịch nói chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng, không phải là không dám đánh vào nơi kẻ địch mạnh, mà là đánh như thế nào để tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh như vậy?

Bởi, không đánh bại được sự phòng ngự của tập đoàn cứ điểm của địch, thì không thể mở ra cục diện thuận lợi cho cuộc kháng chiến phát triển.

Lựa chọn Điện Biên Phủ là chiến trường quyết chiến chiến lược, thực chất là ta đã chọn hướng tiến công chiến lược chủ yếu vào nơi địch mạnh, thể hiện sự phát triển mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của ta giai đoạn 1953 - 1954, là sự chuyển biến từ phương hướng “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh thẳng vào chỗ mạnh, nhưng có nhiều sơ hở của địch, từ tác chiến vận động và công kiên nhỏ là chủ yếu, sang đánh công kiên quy mô lớn mang tính chất trận địa.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”.

Ngày 1/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh - được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng Chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ.

Với những kiến thức được hội tụ trong quá trình tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện, sự đúc rút kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, lịch sử quân sự trên thế giới và tài năng quân sự xuất chúng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ vinh dự, trọng trách lớn lao mà Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao nhiệm vụ, qua lời dặn dò trước lúc lên đường:

“Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định”!

Ngày 12/1/1954, tại Tuần Giáo, Đại tướng nghe đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch báo cáo.

Đảng ủy Mặt trận và tất cả đều tán thành phương châm Chiến dịch là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Cố vấn Trung Quốc, Vi Quốc Thanh cũng khẳng định:

“Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự, thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”.

Tại Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh trong triển lãm)

Rõ ràng, mặc dù là Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, nhưng số đông lại có ý kiến khác - là điều Đại tướng phải cân nhắc.

Ông nhớ lời Bác dặn, trước lúc ra mặt trận: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh!”.

Theo phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thời gian Chiến dịch, dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20/1/1954.

Nhưng, trước sự tăng cường phòng ngự của địch và qua nhiều ngày theo dõi, Đại tướng nhận thấy, địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố.

Pháo binh của ta - là hỏa lực chủ yếu của Chiến dịch, lại không kéo đ­ược vào trận địa đúng thời gian, yêu cầu, nếu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì không bảo đảm thắng lợi.

Mặt khác, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch của ta còn nhiều khó khăn, như:

Bộ đội chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm; đây là trận đầu tiên ta đánh hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh, pháo binh với quy mô lớn mà bộ đội ta lại chưa qua diễn tập.

Bộ đội ta, từ trước tới nay, mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu và chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên địa hình rộng, bằng phẳng, trống trải; nay phải chiến đấu liên tục trong 2 ngày 3 đêm với quân Pháp - có ưu thế về hỏa lực, sẽ không tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ.

Bằng nhãn quan của một nhà quân sự thiên tài trong đánh giá, dự báo chiến lược về âm mưu, phương thức, thủ đoạn tác chiến của quân Pháp qua kế hoạch Navarre và thực tiễn trên chiến trường Đông Dương, nhất là địch tại chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng không đánh giá thấp sức mạnh của Pháp tại tập đoàn cứ điểm này, luôn thấu hiểu sâu sắc rằng, chỉ có đánh bại được sự phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch, mới quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng cán bộ chủ chốt trước Nhà Quân ủy Trung ương ngày 30/4/1975

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng:

“Để bảo đảm toàn thắng cho Chiến dịch, phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm để đánh theo phương châm tác chiến mới là “Đánh chắc, tiến chắc”.

Tuy nhiên, thay đổi phương châm tác chiến, sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn mới, vì bộ đội ta đ­ược chuẩn bị để đánh nhanh, bộ binh đã triển khai đội hình, phần lớn pháo binh đã vào trận địa; nay lại rút ra, làm cho tư tưởng bộ đội dễ hoang mang.

Hơn thế, mọi công tác chuẩn bị, đều phải làm lại từ đầu, những khó khăn về cung cấp, vận tải tiếp tế khi mùa mưa đến... sẽ tăng lên. Nhưng không thể vì những khó khăn, trở ngại do Chiến dịch kéo dài mà chọn cách đánh không bảo đảm chắc thắng.

Theo đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trải qua nhiều giờ thảo luận với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, Đảng ủy Mặt trận nhất trí thay đổi phương châm tác chiến - là một quyết tâm rất lớn, thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương”.

Đại tướng kết luận “Đánh theo phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” - nhất định thất bại” và ông ra quyết định - chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”!

Đó là một quyết định sáng suốt, mang đậm nhãn quan quân sự cá nhân “sắc sảo, bản lĩnh, dũng cảm, quyết đoán, táo bạo”, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thắng lợi của Chiến dịch và xương máu cán bộ, chiến sỹ của người cầm quân - yếu tố quyết định bảo đảm thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” - ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới đánh bại toàn bộ quân địch.

Phương châm này, thể hiện sự nổi bật về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại người dân Mường Phăng sau 40 năm giải phóng Điện Biên (Ảnh tư liệu)

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, có nhiều cống hiến xuất sắc, góp phần làm nên những chiến công vĩ đại, trong đó có Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”; không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, phải kể đến:

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968); Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (1972); Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam…

Vị tướng lừng danh thế giới thế kỷ XX

Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã lưu lại cho thế hệ các nhà cầm quân kế tiếp một kho tác phẩm quân sự quý giá, cùng với Binh thư Yếu lược của Trần Hưng Đạo và trải nghiệm trận mạc của các tướng soái cầm quân nổi danh khác qua các triều đại nước ta như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ...

Trong những bộ bách khoa toàn thư đồ sộ nhất thế giới gồm 30 volumes, được xuất bản sớm nhất vào năm 1768 – 1781 trước Bách khoa toàn thư của Mỹ (năm 1892), tiếp tục tái bản lần thứ 15 và lấy tên là Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (The new Encyclopoedia Britannical - TNEB), lần này có thêm một số tướng soái kiệt xuất mà những lần xuất bản trước chưa có như Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp của Việt Nam. Sau khi bổ sung, trong đó có Mục từ TRAN HUNG DAO in ở volumes X trang 493, 494, với 70 dòng, 490 từ (mang ký hiệu Z256 tại Thư viện khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh).

Về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ điển trứ danh này ghi:

“Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo chính trị, quân sự đã hoàn thiện chiến lược, chiến thuật du kích và chiến tranh quy ước (chính quy), lãnh đạo Quân đội Việt Minh đánh thắng Quân đội Pháp, chấm dứt nền thống trị thực dân ở Đông Nam Á. Sau này, đưa đến thắng lợi của Bắc Việt Nam đánh thắng quân viễn chinh Mỹ…

Khi Việt Nam bị chia cắt vào tháng 7/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Bắc Việt Nam. Ông đã lãnh đạo Quân đội đánh thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2, buộc Quân đội Mỹ phải ra hết khỏi miền Nam Việt Nam.

Ông là tác giả của những cuốn sách về chiến tranh Nhân dân, Quân đội Nhân dân – Tác phẩm về chiến tranh du kích trên cơ sở những trải nghiệm của bản thân ông”.

Theo Bách khoa toàn thư của Anh quốc xuất bản tại Luân Đôn năm 1985 thì, vào những năm trước đó, Hội Hoàng gia Anh (tức Viện Khoa học Hoàng gia – Royal Society) đã tổ chức phiên họp để lựa chọn các tướng soái lừng danh thế giới từ thời cổ đại đến trung đại, cận đại và hiện đại. Việc làm này, nhằm chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách Bách khoa toàn thư nước Anh nói trên.

Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) chúng ta đều nhận thấy, ông là một nhân vật rất đặc biệt, xuất chúng, là một vĩ nhân. Sự đặc biệt này, thể hiện rất rõ trong toàn bộ cuộc đời xuyên qua 2 thế kỷ XX và XXI của ông.

Tại phiên họp, có 478 nhà khoa học về lịch sử quân sự của các nước đã được mời dự. Họ đã đề cử và lập ra một danh sách gồm 98 tướng soái của các nước trên thế giới, từ thời cổ đại cho đến ngày nay, để bầu chọn những người xuất sắc nhất.

Qua những phiên họp, các nhà biên soạn lịch sử quân sự, trong đó phần lớn là những nhà quân sự có uy tín của thế kỷ XX đã bỏ phiếu, bầu ra 10 vị tướng soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại.

Riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một ký giả nổi tiếng người Mỹ D.S Marshall cũng đã viết trong quyển International Military and Defence Encyclopoedia – volumes 3 – Nhà Xuất bản Mỹ Braissey’s 1993 như sau:

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị - Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là vị chỉ huy quân đội Việt Nam đánh thắng 2 đế quốc hùng mạnh Pháp và Mỹ, đập tan chiến tranh xâm lược của thực dân cũ và mới, làm bùng lên phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới.

Tướng Giáp đã làm cho 7 vị tướng oai hùng của pháp là Leclere, Valluy, Ba Lanaizot, Carpentier, De Laattre de Tassgny, Raoun Sa Lan, đến Henri Navave và 4 vị tướng lừng danh của Mỹ là Harkins, Westmorland, Abraham đến Owen phải thất bại cuốn cờ về nước. Tướng Giáp xứng đáng là một vị tướng xuất sắc - có một vị trí trong lịch sử thế giới”.

Trần Hưng Đạo đã được Triều đình nhà Trần sắc phong là Hưng Đạo Đại Vương. Trong thời đại này, từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lần đầu tiên đã phong cấp Đại tướng - Tổng Tư lệnh cho nhà cầm quân thao lược Võ Nguyên Giáp - trở thành vị tướng lừng danh thế giới trong thế kỷ XX. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 1985, Hội đồng Hoàng gia Anh (Viện khoa học Hoàng gia Royal Society) đã tổ chức Hội nghị gồm có 478 nhà khoa học về lịch sử quân sự của gần 200 nước - lập ra danh sách 98 tướng soái để bầu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Nhân dân Mường Phăng vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 5/2004 (Ảnh: MINH ĐIỀN)

Với kết quả số phiếu bầu đại biểu tại phiên họp cho mỗi danh tướng trong số 10 người được bình chọn, có thể thấy rõ tầm vóc và vị trí trong lịch sử thế giới của mỗi vị tướng soái này như sau:

Thời cổ đại: Có 3 vị tướng soái được chọn: Aniban (Hy Lạp), Cesar (La Mã), A.Macédoine (Nam Tư). Cả 3 vị đều được 100% phiếu bầu.

Thời trung đại: Chỉ có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được chọn với 100% số phiếu. Trong số phiếu này, người bầu đã ghi thêm Trần Quốc Tuấn là người đã đánh thắng đội quân Nguyên – Mông mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII.

Thời cận đại: Có 4 vị tướng soái được chọn: Cromwell (Anh) 70%, Piere Đại Đế (Nga) 71%, Cutujov (Nga) 72%, Napoléon (Pháp) 100% số phiếu.

Thời hiện đại: Có 2 vị được chọn: Jukov (Liên Xô) 100% và Võ Nguyên Giáp (Việt Nam) 100% số phiếu…

Tướng Giáp là người Việt Nam sinh ra nơi một vùng quê nghèo, đi học và làm cách mạng với một cuộc sống trên chặng đường dài hơn 100 năm là nhờ học tập, làm việc, ăn uống sinh hoạt điều độ. Tâm hồn thanh thản, vị tha thương người, thương dân, không mê sắc tửu, không lãng mạn riêng tư, bình dị, trong sáng.

Ông làm việc vì sự nghiệp của dân tộc, của Đảng, không nề hà việc gì, ngay cả khi ông đã là một tướng soái lừng danh thế giới.

Trên vai ông - vẫn sáng chói vẹn nguyên 4 sao hiển hách mà được phân công làm Trưởng ban Sinh đẻ có kế hoạch.

Thật “trớ trêu” khi để chiến thắng quân thù, thì ông là người đứng đầu đội quân khởi nghĩa cách mạng ở cây đa Tân Trào.

Khi kẻ thù thua chạy ra khỏi biên cương, hòa bình lập lại, thì ông được bố trí “mặt trận phòng thủ” ở “cây đa nhà Bò”, nhưng ông vẫn thấy thanh thản, mỉm cười…!

Những ngày nghỉ hưu, ông thường đọc sách, ăn uống nhiều rau quả, ít thịt, tập luyện thể dục và độ thiền đều đặn mỗi ngày.

Rồi những chuyến đi du lịch, về thăm quê hương và chiến trường xưa, thăm bà con nông dân - làm cho tâm hồn ông nhẹ nhõm, nâng cao sức khỏe. Ông thường về quê nhà, về các vùng nông thôn, thăm hỏi, động viên bà con nông dân nghèo khó và vui với những bữa cơm thanh bần.

Ông thấy lâng lâng, lặng trong ông một niềm vinh quang. Cái vinh quang lớn nhất của một đời người là công trình, là tác phẩm, là chiến công, chứ không phải chỉ có ngồi cái ghế làm quan, lấy tiền chùa đem ban.

Gặp lại bạn cũ tháng 11/2004 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy

Có thể nói, trong cuộc chinh chiến, chiến thắng quân thù và phát huy cao độ lòng nhân ái, ông đã để lại một huyền thoại - còn vượt trên biết bao công trình và tác phẩm.

Người dân suy tôn ông là “Vị tướng của Nhân dân – Tổng Tư lệnh của hòa bình”, Anh hùng của dân tộc!

Đến phút tận cùng của cuộc đời, ông ra đi không đến Mai Dịch… để trở về quê hương với một tấm lòng bình dị của một nhân cách cao quý.

Vũng Chùa – Đảo Yến (Quảng Bình) mãi là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghìn thu yên nghỉ, để lại niềm thương tiếc và kính yêu trào dâng trong mỗi người dân đất Việt!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh Nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới, nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược -  kiệt xuất, bậc thầy về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, nghệ thuật quân sự.

Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - là tấm gương và di sản vô cùng quý giá để các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội ta noi theo, vận dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Doanh Tân Phong

Bài liên quan

Tin mới

Hội đồng Anh lên tiếng liên quan đến kết luận cấp chứng chỉ sai quy định
Hội đồng Anh lên tiếng liên quan đến kết luận cấp chứng chỉ sai quy định

Hội đồng Anh vừa có phản hồi chính thức liên quan đến kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, hai kỳ thi và chứng chỉ do Hội đồng Anh cấp là IELTS và Aptis là những kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế với độ chuẩn hoá cao, được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

Vinamilk khẳng định vị thế trong pha chế tại đấu trường quốc tế Asia Latte Art Battle
Vinamilk khẳng định vị thế trong pha chế tại đấu trường quốc tế Asia Latte Art Battle

Vừa qua, Vinamilk đã có cơ hội đồng hành cùng giải thi Asia Latte Art Battle diễn ra từ ngày 09 đến ngày 11/5/2024 trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Café Show 2024 tại SECC (TP.HCM).

Dùng chiêu "thầy bói", người phụ nữ lừa đảo chiếm đoạt 268 tỷ đồng
Dùng chiêu "thầy bói", người phụ nữ lừa đảo chiếm đoạt 268 tỷ đồng

VKSND tỉnh Nam Định vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đối với Bùi Thị Ninh (SN 1980, chỗ ở tại 18 Nguyễn Mậu Tài, phường Lộc Hạ, TP. Nam Định) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trình Thủ tướng nhân sự làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Trình Thủ tướng nhân sự làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh phân công ông Trần Xuân Vinh tạm thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND tỉnh.

Chúng tôi đã thấy một số “chồi xanh” trong thương mại toàn cầu
Chúng tôi đã thấy một số “chồi xanh” trong thương mại toàn cầu

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới cùng dự báo tổng thương mại toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay - 2024 sau khi suy thoái vào năm 2023 do nhu cầu, giá cả và lạm phát tăng cao.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng tiếp xúc cử tri
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng tiếp xúc cử tri

Chuẩn bị Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 11/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và các Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng tiếp xúc cử tri huyện Kiến Thụy.