Theo văn bản của Hội Trí thức: “Trên đoạn sông dài 800m đã có 2 cầu, nay xây thêm 1 cây cầu bắc chéo qua nữa sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị phía Tây Nha Trang, rất lãng phí ngân sách nhà nước. Để làm đường đi thẳng từ sông Quán Trường đến trục chính khu đô thị sân bay Nha Trang cần phải giải tỏa đền bù cho gần 400 hộ dân, đây là những hộ dân vừa ổn định xong nơi ở mới. Với việc đền bù giải tỏa để xây đường mới, cuộc sống của gần 400 hộ dân bị sẽ xáo trộn, lòng dân không yên, Nhà nước tốn kém nhiều diện tích đất và kinh phí. Nhu cầu đi thẳng từ đường Võ Nguyên Giáp đến trung tâm khu đô thị sân bay Nha Trang cũ của khách chưa rõ ràng, đầu tư xây dựng đường qua khu vực đền bù giải tỏa sẽ gặp khó khăn, có khả năng kéo dài thời gian gây lãng phí, không hiệu quả. Vì vậy, nên tập trung tiền vốn và công sức để hoàn thành nút giao thông Ngọc Hội. Theo Hội Trí thức tỉnh, để kết nối đường Võ Nguyên Giáp đến trục chính khu đô thị sân bay Nha Trang nên chọn phương án tận dụng đường đường cầu Phong Châu, đường Lê Hồng Phong, mở thêm đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phong Châu.”
Về tâm tư nguyên vọng của nhân dân: Sau khi thông tin trên báo chí về phương án quy hoạch xây dựng đường giao thông kết nối đường Võ Nguyên Giáp với trục đường chính khu sân bay Nha Trang cũ, UBND tỉnh đã nhận được nhiều đơn kiến nghị của các hộ dân khu vực có phương án đi qua. Ngày 14/4/2022, UBND tỉnh có văn bản số 3238/UBND-XDNĐ, chuyển đơn kiến nghị của các hộ dân cho sở Xây dựng, cùng đơn vị tư vấn, kiểm tra, nghiên cứu, xem xét theo đúng quy định pháp luật, nhằm hoàn thiện đồ án quy hoạch thành phố Nha Trang đến năm 2040 (gồm: Đơn kiến nghị tập thể 41 người ký tên đề ngày 30/3/2022; Đơn kiến nghị của bà Ngô Thị Quỳnh Duyên đề ngày 30/3/2022; Đơn kiến nghị của bà Trần Thị Nhã Trúc đề ngày 30/3/2022; Đơn kiến nghị của bà Vũ Thị Hồng Thu đề ngày 31/3/2022; Đơn kiến nghị tập thể hơn 40 người do bà Nguyễn Thu Chinh đại diện đề ngày 02/4/2022). Tất cả các đơn đều nêu nhiều lý do xác đáng và kiến nghị không thực hiện phương án quy hoạch xây dựng con đường này.
Theo một số chuyên gia
Về mặt quy hoạch: Quy hoạch thành phố Nha Trang đã được xây dựng từ lâu, do yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội qua từng giai đoạn, đồ án Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, nhằm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồ án điều chỉnh quy hoạch phải có sự kế thừa, phát huy của đồ án quy hoạch các giai đoạn trước, không phải “xóa hết làm lại từ đầu”. Quy hoạch phải đáp ứng các yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật của địa phương, tránh gây nên những phức tạp về an ninh trật tự, lãng phí về kinh tế, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý xã hội, xáo trộn quá nhiều đời sống nhân dân.
Về chính trị, xã hội: Phương án này ảnh hưởng trực tiếp tới gần 400 hộ dân (trung bình mỗi hộ 4 người thì tầm ảnh hưởng tới hàng ngàn người). Hầu hết là các hộ ở những khu đô thị mới (Lê Hồng Phong I, VCN Phước Hải), khu tái định cư sân bay Nha Trang, là những dự án thực hiện đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, được cơ quan chức năng địa phương các cấp, qua nhiều nhiệm kỳ cho phép. Số hộ dân tại khu vực này mới có cuộc sống ổn định, nay lại bị xáo trộn nên có phản ứng gay gắt, có thể dẫn đến khiếu kiện kéo dài, không thực hiện được việc đền bù giải tỏa, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, có thể trở thành quy hoạch treo nhiều năm chưa thực hiện được. Điều nghiêm trọng hơn, tạo ra tiền đề “bất an” cho nhân dân, và tiền lệ: “Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, chính quyền cho phép, cấp phép, nhưng quy hoạch lần sau, nhiệm kỳ sau, lớp cán bộ sau lại không tiếp thu, điều chỉnh, mà có thể phá bỏ hoàn toàn…?”
Về mặt kỹ thuật: Đây là phương án quy hoạch mới, chưa được nghiên cứu khảo sát kỹ các yếu tố “Kỹ thuật, tài chính, xã hội”. Phương án này phá vỡ quy hoạch đô thị đã được xây dựng những năm gần đây theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1396/QĐ- TTg ngày 25/9/2012 đến nay đang còn hiệu lực; Phá vỡ cảnh quan đô thị khu vực Tây Nha Trang đang khá đẹp, ổn định (trong phạm vi 800m của sông Quán Trường, đã có 2 cây cầu bắc ngang, giờ xây thêm một cây cầu xiên chéo vào giữa, nhìn từ trên cao xuống trông như một “nhát dao đâm xiên”, nhìn bên dưới cũng rất lộn xộn, phá vỡ cảnh quan thành phố. Trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện nay, Du lịch phát triển, cảnh quan đô thị phải đẹp, hài hòa cả khi quan sát từ trên vệ tinh, máy bay, khinh khí cầu, dù có động cơ, dù lượn, trên các điểm cao xung quanh, nhằm phục vụ cho việc quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, không chi nhìn bằng mắt thường từ dưới đất? Con đường nếu làm xong, sẽ tạo điều kiện cho xe cộ các loại di chuyển rất nhanh, tập trung trên một trục, thẳng vào trung tâm, gây ùn ứ, tắc nghẽn giao thông tại nút giao thông nối trục chính sân bay Nha Trang cũ với đường Trần Phú- Hoàng Diệu, có thể phát sinh phương án xử lý hết sức tốn kém. Nên để lượng xe ra vào khu trung tâm đô thị sân bay Nha Trang cũ được phân tán qua các nút giao thông kết nối (theo Quyết định 2910/QĐ- UBND ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh, gồm 11 nút gaio thông. Hiện nay dự án BT với Tập đoàn Phúc Sơn đang thực hiện).
Về mặt kinh tế: Phương án dẫn đến sự tiêu tốn ngân sách nhà nước, có thông tin khoảng khoảng gần 3.000 tỷ đồng, nhưng chắc chắn còn nhiều hơn thế: Thực tế cho thấy, tiền đền bù cho các hộ dân khi mở các nút giao thông vào sân bay Nha Trang năm 2018 là 40 triệu đồng/1m2 . Nếu với giá đó mà thu hồi 60.000 m2 đất ở đô thị thì mức bồi thường đã trên 2.400 tỷ, chưa tính bồi thường nhà, vật kiến trúc, cây cối, và đất tái định cư? Kinh phí đầu tư cho nút giao thông Ngọc Hội theo Hợp đồng BT với Tập đoàn Phúc Sơn cách đây 4 năm là 1.351 tỷ. Vậy, làm sao có thể nói đoạn đường rộng 60m từ Võ Nguyên Giáp- nối sân bay Nha Trang dài gần 2 km, với nhiều nút giao thông phức tạp, kinh phí tính toán chỉ có 3.000 tỷ? Điều này chứng tỏ đơn vị đề xuất phương án chưa có sự khảo sát, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ đội kính phí, gây tốn kém lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, đây là phương án cần phải được các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xem xét hết sức kỹ lưỡng, trên cơ sở các yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội, với những căn cứ khoa học sác đáng, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu chỉ “duy ý chí” thì hậu quả về lâu dài khó có thể tránh khỏi.
Trần Minh Ngọc