Báo Thương hiệu và Công Luận nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc: Quán cà phê ngang nhiên "mọc" trong khuôn viên Nhà văn hóa xã Êaphê, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới khu vui chơi giải trí của người dân xung quanh và làm mất mỹ quan của một nhà văn hóa.
Quán cà phê được xây dựng bên trong khu đất công nhà văn hoá xã Ea Phê (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Từ thông tin phản ánh của người dân địa phương, PV Báo Thương hiệu và Công Luận đã có mặt tại nhà văn hóa xã Êaphê. Điều đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được là những gì người dân phản ánh là đúng sự thật. Quán cà phê Đăng Nguyênrộng hơn trăm mét vuông ngang nhiên “mọc” trong khuôn viên Nhà văn hóa xã một cách kiên cố. Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh quán cà phê này được bao bọc bởi hàng rào khá kiên cố, những chậu cây cảnh cổ thụ “vây” quanh; bên trong quán từ sảnh để khách ngồi, bếp, phòng pha chế, phòng ngủ rất kiên cố.
Theo những người dân xung quanh khu vực này cho biết, sở dĩ quán cà phê Đăng Nguyên hoạt động kinh doanh trong khuôn viên sinh hoạt của Nhà văn hóa xã mà không có sự can thiệp nào từ phía cơ quan chức năng là vì chủ quán này là người nhà của Lãnh đạo xã Êaphê.
Cán bộ xã đứng tên cho thuê đất công có đúng luật? (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Trước sự xôn xao của dư luận về sự việc trên, PV Báo Thương hiệu và Công Luận đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Êaphê. Tại đây, Chủ tịch xã này cho biết, ông Lê Mỹ người đứng tên thuê đất trong hợp đồng là anh trai ông. Ông Chương còn cho biết: "Việc anh trai ông hợp đồng kinh doanh trong khuôn viên nhà văn hóa xã đã được thông qua HĐND, đây là việc chung chứ không có việc tư lợi nào ở đây” - Dù chúng tôi không hề đặt vấn đề tư lợi?
Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề là UBND xã có được phép cho thuê đất Nhà văn hóa để kinh doanh hay không? Ngân sách thu sẽ được đơn vị chủ quản sử dụng vào đâu? Liệu quán cà phê có đảm bảo vệ sinh ăn toàn thực phẩm hay không? ... Thì vị Chủ tịch xả này trả lời là mới biết việc UBND xã không đủ thẩm quyền cho thuê đất để kinh doanh, và tiền thu được từ việc cho thê đất sẽ nhập vào ngân sách của xã!
Tuy nhiên, điều đáng nói là giá cho thuê mảnh đất của Nhà văn hóa xã này là mỗi tháng là 250 ngàn đồng (3triệu đồng/năm); nhưng người thuê được “đặc ân” là 3 năm đầu không thu tiền thuê, vì lý do đầu tư quán, và thời hạn thê kéo dài từ 10 đến 20 năm?
Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Ea Phê có buổi trao đổi thẳng thắn với phóng viên (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Theo luật sư Nguyễn Văn Lâp, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 59 - Luật đất đai 2013,Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn mà không có thẩm quyền cho thuê đất đối với những loại đất khác. Như vậy, việc UBND xã Êaphê tự ý cho thuê đất như nêu trên là vi phạm pháp luật”.
Điều khó hiểu hơn là dù ông Chủ tịch UBND xã này thừa nhận, UBND xã không đủ thẩm quyền cho thuê đất để kinh doanh, nhưng chính quyền xã Êaphê vẫn bất chấp quy định của pháp luật, nhưng vẫn chỉ đạo cho cấp dưới tự ý soạn thảo ra hợp đồng để cho anh trai vị Chủ tịch này thuê đất “lấy tiền”?
Có lẽ ai cũng hiểu rằng, Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt văn hóa, tập hợp ý chí cộng đồng trong những công việc cần sự bàn bạc, góp ý kiến của người dân đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước; hay đôi khi đơn giản chỉ là nơi vui chơi sinh hoạt của thiếu nhi trong kỳ nghỉ hè… Ấy vậy, chức năng đó cũng không được sử dụng một cách phù hợp mà đưa làm công cụ "kiếm tiền". Trước sự việc này, dư luận đang cần UBND Krông Pắk, tỉnh Đắk Lăk sớm vào cuộc xử lý triệt để, nhằm tránh dư luận bức xúc và sự hoài nghi của người dân nơi đây!
Cao Diên – Hải Dương