Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Gia
Tham dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình trồng, chế biến, tiêu thụ mắc ca.
Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn héc-ta. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, với trên 15,4 nghìn héc-ta, tăng 55% diện tích so với quy hoạch; còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Gia
Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Đến nay, sản phẩm mắc ca đã xuất khẩu trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp...
Định hướng trong thời gian tới, tiếp tục phát triển cây mắc ca là một trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của Nông nghiệp Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD. Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy phát triển bền vững mắc ca tại Việt Nam. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ tiếp tục hỗ trợ và hoàn thiện cơ chế cho vay theo chuỗi sản phẩm tín dụng mắc ca đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, góp phần phát triển ngành hàng mắc ca ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm mắc ca của doanh nghiệp Đắk Lắk
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các nhà khoa học, ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phải trả lời cho được câu hỏi: Làm sao mắc ca Việt Nam có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể ở Việt Nam? Bởi vì cây mắc ca không đơn thuần là mang lại hiệu quả kinh tế mà nó chứa đựng nhiều giá trị xã hội, đặc biệt về an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Chính phủ yêu cầu mắc ca phải là cây “đi sau về trước”, do đó cần phải có quy hoạch tiểu vùng, thúc đẩy chế biến sâu, xử lý tốt về giống, đầu tư khoa học công nghệ… Vùng Tây Nguyên chú ý các giải pháp trồng xen, đồng bộ các khâu chăm sóc, chế biến; vận động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, khuyến khích thành lập các hợp tác xã trồng mắc ca, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, manh mún. Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các địa phương xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca; Bộ NN-PTNT chủ trì để xây dựng Nghị định về phát triển cây mắc ca…
Hoàng Gia