Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25/7/2007 của Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có thực sự đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng đang là nỗi băn khoăn của nhiều người. Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có cuộc phỏng vấn ngắn TS. Luật Nguyễn An (Công ty Luật Cộng đồng) xung quanh vấn đề này.

TS. Luật Nguyễn An

Việc đề ghi nơi sản xuất hàng hóa trên nhãn hàng có thực sự đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng không, thưa ông?

Đối với người tiêu dùng, việc nhãn hàng có ghi địa chỉ sản xuất hàng hóa sẽ giúp cho quyền lợi của họ được đảm bảo hơn. Người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu sử dụng hàng hóa. Ngoài những thông tin bắt buộc ghi trên nhãn hàng đã được quy định, vấn đề ghi nơi sản xuất trên nhãn hàng giúp người tiêu dùng có cơ sở khiếu nại, tố cáo đến doanh nghiệp, cơ quan chức năng khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất trong những trường hợp hàng hóa khiếm khuyết, không đảm bảo chất lượng sẽ cụ thể và rõ ràng hơn.

Vậy, theo ông, Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ra đời nhằm bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN có đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng không?

Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN nhằm bổ sung thông tư số 09/2007/TT-BKHCN, theo đó sẽ bổ sung thêm điểm G vào cuối khoản 3 Mục II như sau:

“G) Đối với việc sản xuất hàng hóa thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa là pháp nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hiệu, nhãn hàng hóa do mình là chủ sở hữu hoặc được nhượng quyền sử dụng; chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa gắn nhãn hiệu, nhãn hàng hóa đó;

Đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa có nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, các hàng hóa mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất, kinh doanh được phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa trên nhãn hàng hóa đó nếu được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận chất lượng của hàng hóa này phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố”.

Thực tế, việc ghi địa chỉ tại 01 nơi sản xuất hay địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa không mang ý nghĩa quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Chất lượng sản phẩm được đánh giá đảm bảo phù hợp với tất cả các thông tin như ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, tên doanh nghiệp… được ghi trên nhãn hàng với hàng hóa đó.

 

Hiện nay, rất nhiều công ty sản xuất có nhà máy ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng sản phẩm sau khi được lưu hành ngoài thị trường trên bao bì sản phẩm chỉ ghi tại 01 nơi sản xuất vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

Vậy, khi xảy ra sự cố về sản phẩm, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo như thế nào?

Quy định ghi địa chỉ nơi sản xuất hàng hóa hay tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm sẽ thuận lợi hơn trong việc xác minh khi gặp sự cố sản phẩm. Cơ quan chức năng có thể dựa vào đó xác minh cơ sở sản xuất, xác minh quy trình sản xuất sản phẩm, chất lượng sản phẩm và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với thiệt hại.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hà (Thực hiện)