Nhiều chiêu gian lận

Tổ chỉ đạo thực hiện dán tem xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu đã được tăng cường, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều sai phạm. Một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này là dán tem đồng hồ tổng tại các cột bơm xăng dầu. Sau khi dán tem, cơ quan chức năng có thể quản lý được sản lượng xăng dầu DN bán ra trong kỳ, giúp lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN.

Lãnh đạo Chi cục Thuế quận 7 (TP. HCM) cho biết, lâu nay NTD mua xăng, dầu không lấy hóa đơn, các DN có thể NK xăng dầu không rõ nguồn gốc. Đây chính là lỗ hổng trong khâu quản lý mà các DN xăng dầu thường lợi dụng để kê khai doanh thu không đầy đủ khiến Nhà nước thất thu thuế lớn. Do đó, Đề án nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu sẽ kiểm soát chặt sản lượng đầu ra - vào của đơn vị kinh doanh xăng dầu để tính thuế.

Một hình thức gian lận khác, theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện nhiều xe chở xăng dầu từ các địa phương khác đến và buôn bán tự do tại một số công trình trọng điểm lớn hoặc cung cấp trực tiếp cho các tàu cá.

Về vấn đề này, PGĐ Sở Công thương Nguyễn An, cho biết: “Hiện nay, một số xe bồn ngoài tỉnh vào đã chở xăng dầu trút thẳng cho công trình hoặc các tàu cá, rất khó kiểm soát số lượng xăng dầu đã bán ra. Xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và việc chở xăng dầu chỉ phục vụ cửa hàng xăng dầu, ký hợp đồng với thương nhân đầu mối, chứ không thể đi bán dạo. Đây là một trong những chiêu trò của mộ số DN nhằm trốn thuế…”.

Dán tem công tơ: Chặn thất thu thuế xăng dầu - Hình 1

Dán tem cây xăng góp phần giảm gian lận thuế

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính, ông Lê Hà Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế Nghệ An đã ước tính, cả tỉnh có khoảng 600.000 xe máy. Với mức tiêu thụ trung bình 10 lít xăng/tháng, số tiền mua xăng của xe máy vào khoảng 1.200 tỷ đồng. Nhưng theo khai báo của các DN, chỉ có 100 tỷ đồng tiền mua xăng là không có hóa đơn, vậy thì 1.100 tỷ đồng tiền bán xăng thì hóa đơn đã đi đâu?

Chống thất thoát thuế

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2017, cả nước có hơn 30.000 cây xăng tại 46/63 tỉnh, thành phố được dán tem; số tiền thuế thu được từ bán lẻ xăng dầu đã tăng thêm 10 - 15% so với khi chưa thực hiện dán tem.

Chẳng hạn, tại Nghệ An, sau khi hoàn thành việc dán tem (tháng 11/2015), số lượng xăng, dầu tiêu thụ và số bảo vệ môi trường năm 2016 bình quân đã tăng khoảng hơn 20%. Đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết, năm 2016, thuế thu từ các DN kinh doanh xăng dầu tăng 251 tỷ đồng so với 2015, trong đó thuế bảo vệ môi trường tăng 205 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Đây là một kết quả quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Quảng Ninh, sau khi hoàn thành dán tem (cuối tháng 11/2016), sản lượng tiêu thụ xăng dầu và số thuế bảo vệ môi trường tăng bình quân 15%/tháng so với trước thời điểm dán tem (có 178 cửa hàng bán xăng với 495 cột bơm xăng được dán tem).

Tại các tỉnh có số lượng cửa hàng xăng dầu lớn như Thái Bình, Bình Định…, doanh số tiêu thụ xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường  tăng khoảng 14% so với trước thời điểm dán tem.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) nhìn nhận, việc dán tem niêm phong các đồng hồ tổng đo đếm xăng còn là giải pháp thủ công. Tuy nhiên, đây vẫn là cách thức hữu hiệu trong thời điểm hiện nay, cần mở rộng đến các cây xăng khác trên cả nước để kiểm soát việc gian lận trong kê khai thuế VAT và sử dụng hóa đơn thuế xăng dầu.

Thống kê cho thấy, nhờ chiêu dán tem niêm phong công tơ, số lượng xăng dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt từ 10 - 20% so với trước. Điều này cho thấy, trước đây đã thất thu một lượng thuế khá lớn do kiểm soát không tốt.

Bùi Quyền